Ra mắt bộ sách nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1930 – 1954

Ra mắt bộ sách nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1930 – 1954
Bộ sách “Lịch sử nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1930 – 1954” gồm 631 trang, được thực hiện từ đầu năm 2015 và hoàn thành ngày 20/9/2018.
Các đại biểu thảo luận về nội dung bộ sách. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Các đại biểu thảo luận về nội dung bộ sách. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Trong đó, phần mở đầu được các tác giả khái quát về nhân sĩ, trí thức thời kỳ trước khi có Đảng; hai phần chính của bộ sách là thời kỳ Đảng Cộng sản lãnh đạo phong trào cách mạng Giải phóng dân tộc đi theo quỹ đạo của Cách mạng vô sản (1930 – 1945) và Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954).
Nội dung của bộ sách đã toát lên việc các nhân sĩ trí thức luôn tuân theo giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa yêu nước, đại nghĩa cứu dân làm giá trị cao nhất. Tính cách đó thường được gọi là “Nghĩa khí Gia Định”, “Hào khí Đồng Nai”…

Trong chính quyền Cách mạng lâm thời ở Nam bộ những ngày đầu đã có mặt các nhân sĩ, trí thức, tạo sức thuyết phục, xây dựng lòng tin tuyệt đối của quần chúng nhân dân vào chính quyền cách mạng như: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng; các luật sư Phạm Văn Bạch, Thái Văn Lung; kỹ sư Kha Vạng Cân; kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát…
Theo ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Tổng thư ký công trình Lịch sử Nam bộ kháng chiến, Chủ biên Bộ sách, “Nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc” chính là thể hiện sức mạnh chính trị của liên minh Công - Nông - Trí  trên địa bàn trọng điểm Nam bộ. Lịch sử của quá trình liên minh cũng là lịch sử quá trình “dấn thân”, vượt muôn vàn gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ Công - Nông - Trí nối tiếp nhau qua các phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm, cả ở nông thôn giải phóng và ở đô thị địch tạm chiếm. Ảnh hưởng của mỗi cao trào chính trị là một đòn chí tử giáng vào kẻ địch, những kẻ chỉ biết dựa vào sức mạnh của vũ khí, kỹ thuật mà xem nhẹ hoặc không hiểu gì về nội hàm chính trị của chiến tranh cách mạng.
Ông Nguyễn Trọng Xuất cho biết, bài học từ Bộ sách là khơi dậy trong mỗi người dân “Con Lạc cháu Hồng” lòng yêu nước, yêu dân, tin dân và dựa vào dân; tinh thần “xả thân vì nghĩa”; nuôi dưỡng và trọng dụng nhân tài, tạo môi trường cho sự phát triển nhân tài với trách nhiệm cộng đồng cao của mỗi người trước vận mệnh đất nước. Do vậy, Ban Biên soạn đã cố gắng thể hiện phần nào nét đẹp của văn hóa Việt Nam, góp phần vào quá trình giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ./.
 Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm