Ra mắt bộ sách "Đại Nam thực lục" gồm 10 tập

Bộ sách gồm 10 tập, dày gần 10.000 trang, khổ 16 x 24 cm, in trên giấy cao cấp, bìa cứng, đóng hộp, thẩm mỹ và trang trọng. Ảnh: baochinhphu.vn
Bộ sách gồm 10 tập, dày gần 10.000 trang, khổ 16 x 24 cm, in trên giấy cao cấp, bìa cứng, đóng hộp, thẩm mỹ và trang trọng. Ảnh: baochinhphu.vn

Nhân kỷ niệm 60 năm (1962-2022) Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt bộ sách "Đại Nam thực lục", ngày 2/6, Viện Sử học phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa sách Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt bộ sách "Đại Nam thực lục" - 10 tập.

Ra mắt bộ sách "Đại Nam thực lục" gồm 10 tập ảnh 1Lễ ra mắt bộ sách Đại Nam Thực lục (tái bản), diễn ra vào sáng 2/6 tại Hà Nội. Ảnh: baochinhphu.vn

Tại buổi lễ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang cho biết, năm 2001, Viện Sử học phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục tiến hành tái bản bộ sách "Đại Nam thực lục" lần thứ nhất. Lần tái bản này có sự điều chỉnh về số tập, từ 38 tập lúc ban đầu hiệu chỉnh lại còn 9 tập với khổ lớn hơn và 1 tập sách dẫn tra cứu các chủ đề lớn trong bộ "Đại Nam thực lục". Đến năm 2007, toàn bộ 10 tập của Bộ sách "Đại Nam thực lục" trong lần tái bản thứ nhất đã hoàn thành và công bố rộng rãi đến bạn đọc.

“Bộ sách "Đại Nam thực lục" được tái bản lần thứ hai năm 2022, hướng tới kỷ niệm 60 năm kể từ lần đầu ra mắt tập đầu tiên bản tiếng Việt. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đánh giá cao công sức lao động của các cán bộ Viện Sử học suốt những năm qua đã cống hiến cho nền khoa học xã hội của đất nước qua việc khai thác di sản, gìn giữ và tôn vinh các giá trị ông cha đã để lại, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang nhấn mạnh.

Nói về giá trị nguồn sử liệu của bộ sách, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang cho rằng, "Đại Nam thực lục" tiền biên và chính biên do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có 560 quyển, là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành. Đây là bộ Sử được thực hiện trong gần 90 năm (1821- 1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế, cũng là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn.

Ra mắt bộ sách "Đại Nam thực lục" gồm 10 tập ảnh 2Bộ sách gồm 10 tập, dày gần 10.000 trang, khổ 16 x 24 cm, in trên giấy cao cấp, bìa cứng, đóng hộp, thẩm mỹ và trang trọng. Ảnh: baochinhphu.vn

"Đại Nam thực lục" chính biên biên soạn từ nguồn tư liệu của các cơ quan Trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình, được các vua Nguyễn phê duyệt bằng bút son gọi là châu bản, bản phó được Nội các sao chép và chuyển cho Quốc Sử quán để làm tư liệu biên soạn sách Thực lục nên khá chuẩn xác về nhân vật, sự kiện và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.

Đánh giá về giá trị của bộ sách trong nghiên cứu xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho hay, qua "Đại Nam thực lục" cho thấy đầy đủ nền kinh tế Việt Nam thế kỷ XIX, nổi bật là khai hoang lập ấp ở miền Nam và các vùng duyên hải miền Bắc, hoạt động thủy lợi trên cả nước. Triều Nguyễn thực hiện chính sách trọng nông ức thương, nhưng không bế quan tỏa cảng, vẫn mở cửa Đà Nẵng cho tàu phương Tây vào buôn bán; thuyền buôn của triều đình vẫn đến trao đổi hàng hóa ở các nước Đông Nam Á, cuối thời Minh Mạng tàu của triều đình Huế qua tận châu Âu để giao dịch với cả Pháp và Anh.

"Đại Nam thực lục" cho thấy quá trình xây dựng kinh đô Huế và thành trì các tỉnh theo kiến trúc phương Tây cũng như sự phát triển kỹ thuật đóng tàu vượt đại dương. Vào năm 1803, Vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa và năm 1816, đưa thủy quân xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, chính thức hóa chủ quyền của nhà nước Trung ương được thế giới lúc bấy giờ thừa nhận, là mốc quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn 200 năm qua. Triều đình Minh Mạng cử nhiều cơ quan Trung ương ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ khai thác và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Lý Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm