Quyết tâm vận động học sinh lên lớp

Quyết tâm vận động học sinh lên lớp
Cô giáo Nguyễn Thị Thu thúy đang hướng dẫn học sinh tập viết. Ảnh: Ngọc Thu
Cô giáo Nguyễn Thị Thu thúy đang hướng dẫn học sinh tập viết. Ảnh: Ngọc Thu

Từ 17 giờ đến 20 giờ là giờ phụ huynh học sinh lên rẫy mới về, thế nên để gặp được phụ huynh học sinh, các giáo viên phải chờ đến lúc mặt trời chuẩn bị đi ngủ thì mới bắt đầu công tác vận động của mình.

Chúng tôi theo chân các giáo viên Trường Tiểu học Ia Ka đến nhà ông Rơ Châm Pyé-phụ huynh em Rơ Châm Plữ, làng Mrông Ngó 4 để vận động gia đình đưa em Siu Thái lên lớp 1 đúng độ tuổi quy định. Con đường đất đỏ đi vào làng trở lên trơn trượt, lầy lội khi các cơn mưa trút xuống. Trời càng về tối, đường càng khó đi nhưng không ngăn nổi quyết tâm của thầy cô mang cái chữ đến với con em đồng bào.

 

Một tiết học mới của Trường Tiểu học Ia Ka. Ảnh: Ngọc Thu
Một tiết học mới của Trường Tiểu học Ia Ka. Ảnh: Ngọc Thu

Gia đình em Rơ Châm Plữ nghèo lắm, gia đình có đến 6 người con, cha mẹ thì lên rẫy tìm cái ăn cho các con đã vất vả chứ chưa nói đến cái chữ. Nếu cha mẹ đi làm thì em không thể tự đến trường được. Vì vậy, trước khi tiếp xúc với gia đình, giáo viên phải nắm rõ hoàn cảnh của từng nhà. Để vận động được một học sinh lên lớp, giáo viên thường xuyên đến nhà thăm hỏi, trò chuyện, thậm chí còn phải vận đông quyên góp, hỗ trợ cho gia đình em giảm bớt khó khăn. Những hành động xuất phát từ tấm lòng giáo viên hướng về học sinh nghèo, ông Rơ Châm Pyé đã thật sự cảm động và nhận ra sự quan trọng của cái chữ đối với con em mình: “Mình cảm ơn thầy cô nhiều lắm. Khi nào vợ chồng mình bận thì các thầy cô đều đến đưa con mình đi học. Nhờ có thầy cô mà con mình có điều kiện đi học. Con mình đi học rồi, nó biết được cái chữ, biết tính toán làm ăn, không khổ như mình nữa”.

Đối với các trường học nằm ở trung tâm của huyện, thành phố đường đi thuận tiện, đời sống phát triển thì việc học sinh đi học đầy đủ, tự giác là điều dễ hiểu, nhưng đối với một xã phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số thì để các em đến được trường học tập thật không dễ dàng. Vì vậy, việc vận động các em quay lại trường học nhằm đảm bảo sĩ số cho năm học mới luôn là nỗi lo, sự trăn trở khi bước vào năm học mới. Xác định được khó khăn phải vượt qua, tập thể giáo viên Trường Tiểu học Ia Ka đã nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là thực hiện thường xuyên và đều đặn công tác vận động tuyên truyền học sinh lên lớp đầy đủ.

Cô Nguyễn Thị Thu Thúy-giáo viên Trường Tiểu học Ia Ka chia sẻ: “Cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, giao thông không thuận tiện, mặt khác nhận thức về việc học của con em còn hạn chế nên giáo viên phải đến từng nhà, tìm hiểu, giải thích, tuyên truyền. Nếu học sinh thiếu thốn về quần áo, sách vở thì mình sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ các em. Có trường hợp học sinh không có gạo ăn thì mình cũng báo về nhà trường, rồi vận động các giáo viên quyên góp, mua gạo cho các em, để cha mẹ các em yên tâm, các em được đến lớp”.

 

Trường Tiểu học Ia Ka luôn duy trì sĩ số ổn định. Ảnh: Ngọc Thu
Trường Tiểu học Ia Ka luôn duy trì sĩ số ổn định. Ảnh: Ngọc Thu

Khắc phục được những khó khăn, trong năm học 2014-2015, Trường Tiểu học Ia Ka đã vận động được 100%  số trẻ trong độ tuổi ra lớp, duy trì sĩ số đạt 100%, số học sinh lên lớp thẳng chiếm tỷ lệ 96,1%. Trường luôn vạch rõ lộ trình, kế hoạch chi tiết thực hiện các hoạt động ưu tiên dạy và học. Công tác tham mưu các cấp lãnh đạo, huy động sự giúp đỡ từ nguồn lực các tổ chức xã hội luôn được trường thực hiện có hiệu quả bằng nhiều hình thức như hỗ trợ, thăm hỏi trao quà cho học sinh nghèo vượt khó…

Nhờ vậy, năm học 2015-2016 này, trường đã vận động được 403/520 học sinh dân tộc thiểu số đến trường, đạt tỷ lệ 100%. Thầy Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Ka cho biết: “Nhà trường luôn chú trọng công tác chỉ đạo đội ngũ giáo viên phải yêu thương, tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng từng tiết giảng, làm cho các em thực sự thấy một ngày đến trường là một ngày vui. Ngoài ra, nhà trường cũng đưa ra nhiều phương án giải pháp để vận động học sinh đến trường đầy đủ và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

 

Thầy và trò Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) đón chào năm học mới 2015-2016. Ảnh: Tú Uyên
Thầy và trò Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) đón chào năm học mới 2015-2016. Ảnh: Tú Uyên

Em Vũ Thị Nhung-học sinh lớp 12A4, Trường THPT Chu Văn An (Krông Pa), chia sẻ: “Mùa khai giảng năm nay rất có ý nghĩa đối với em. Em cũng cảm thấy buồn khi sắp chia xa các bạn học đã 3 năm gắn bó”. Kèm theo một chút lo lắng và e ngại, học sinh khối lớp 10  bước vào năm học mới với quyết tâm sớm thích nghi với môi trường và cố gắng học tập chuyên cần. Như chia sẻ của em Romah Thoa (lớp 10A12), quyết tâm sẽ không bỏ học để lên nương, em đã sớm xác định phải cố gắng thật nhiều trong học tập mới không thấy nản lòng.

Nói về mục tiêu duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường trong năm học mới, thầy Nguyễn Văn Liễu-Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhiều năm qua, các thầy-cô giáo cùng Ban Giám hiệu nhà trường đã không ngừng đặt vấn đề duy trì sĩ số lên hàng đầu. Từ đó, nhà trường có nhiều giải pháp, tích cực thực hiện và giữ vững thành tích cho đến ngày hôm nay. Đó là niềm phấn khởi cho toàn trường”.

 

Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, thì bỏ học lên nương là chuyện bình thường. Hiểu rõ điều ấy, nhà trường và địa phương đã tạo mọi điều kiện khuyến khích các em đi học chuyên cần hơn. Hiện Trường THPT Chu Văn An có 8 phòng nội trú cho học sinh ở xa. Mỗi phòng bố trí 4 giường tầng, đây là điều kiện rất thuận lợi cho học sinh ở xa. Ngoài ra, học sinh là người dân tộc thiểu số được trợ cấp 60 kg gạo/em  và 2,3 triệu đồng/em cho 4 tháng để các em an tâm học tập.
 

Trường THPT Chu Văn An có 1.133 học sinh chia thành 26 lớp. Khối lớp 10 có 12 lớp với 506 học sinh, khối lớp 11 gồm 7 lớp với 315 học sinh, khối lớp 12 gồm 7 lớp với 312 học sinh. Đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường gồm 71 người. Năm học vừa qua, trường có tỷ lệ lên lớp đạt 78%, tỷ lệ học sinh đến lớp chuyên cần đạt 86,4%.

Theo thầy Liễu, nhà trường đã đứng ra tổ chức xếp lớp theo địa bàn ở những vùng xa xôi hẻo lánh và tiến cử giáo viên xuống tận nơi để giảng dạy. Như vậy, từng nhóm học sinh của từng vùng sẽ dễ dàng được tiếp cận với kiến thức phù hợp với lứa tuổi của mình. Trong học kỳ đầu của năm học, điểm bài thi và bài kiểm tra phải đạt trung bình trên 70% đối với khối lớp 10 và đảm bảo trên 50% đối với khối lớp 11, 12.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có nhiều hình thức khuyến khích giáo viên có nhiều đóng góp cho việc vận động học sinh bỏ học quay trở lại trường. Bằng việc hỗ trợ một phần kinh phí đi lại cho giáo viên chủ nhiệm đối với các xã xa từ 7 km trở lên ít nhất 2 lần mỗi học kỳ; khen thưởng cho giáo viên bằng tiền mặt nếu duy trì được sĩ số lớp đạt 100% đã có tác động tích cực đến công tác dạy và học trong nhà trường.

Nỗ lực là vậy, song con đường hoàn thành mục tiêu năm học còn dài và đầy thử thách cần sự phối hợp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường; giữa nhà trường với ngành Giáo dục của địa phương để đưa ngành Giáo dục huyện Krông Pa vươn lên thành tích cao hơn trong năm học 2015-2016.

Có thể bạn quan tâm