Quyết tâm, đồng lòng thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề người dân quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề người dân quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Trong ngày 10/7, Việt Nam ghi nhận 1.853 ca mắc mới. Trong đó, 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (2 trường hợp), Tây Ninh (2 trường hợp), Trà Vinh (2 trường hợp), Kiên Giang (2 trường hợp), Hà Nội (1 trường hợp).

Quyết tâm, đồng lòng thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ảnh 1 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề người dân quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Trong nước ghi nhận 1.844 ca, nhiều nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh (1320 ca), Bình Dương (140 ca), Tiền Giang (75 ca), Đồng Tháp (58 ca), Đồng Nai (37 ca), Phú Yên (33 ca), Long An (33 ca), Khánh Hòa (28 ca), Vĩnh Long (26 ca), Quảng Ngãi (14 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (12 ca), An Giang (10 ca), Bình Phước (8 ca), Hà Nội (7 ca), Sóc Trăng (7 ca), Hưng Yên (7 ca), Tây Ninh (4 ca), Bắc Giang (4), Thanh Hóa (3 ca), Bến Tre (2 ca), Trà Vinh (2 ca), Cà Mau (2 ca), Bắc Ninh (2 ca), Bình Định (2 ca), Thái Bình (2), Ninh Thuận (1 ca), Bạc Liêu (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Hà Nam (1 ca), Vĩnh Phúc (1 ca). Trong số này có 1.495 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tính đến thời điểm này, Việt Nam có 9.204/27.863 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi; 112 người đã tử vong do liên quan đến COVID-19.

Việc sử dụng vaccine nhận được sự đồng tình của nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ phát động chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương tổ chức đã diễn ra ngày 10/7.

Thủ tướng cho biết, mọi người đều bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine, song có cảm nhận rằng bằng sự cảm thông dành cho nhau, nhiều người không so bì, tính toán mà bày tỏ mong muốn, trong lúc vaccine chưa có nhiều thì hãy dành ưu tiên cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc sử dụng vaccine trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời Thủ tướng nhắc nhở, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng ta không chủ quan sau tiêm mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, các ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn gian khổ chúng ta lại càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng để thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong công tác tiêm chủng, ngành y tế luôn quán triệt đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, đảm bảo “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Bên cạnh đó, công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khoẻ sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để có thể xử lý mọi việc kịp thời.

Sáng 10/7, hơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Lô vaccine này nằm trong số 80 triệu liều vaccine mà Tổng thống Hoa Kỳ cam kết cung ứng từ nguồn vaccine trong nước hồi tháng 5/2021, trong đó xấp xỉ 41 triệu liều được phân phối thông qua Cơ chế COVAX, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trên toàn cầu. Do nguồn cung vaccine hạn chế trên toàn cầu, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn ở mức thấp. Cho đến nay, chỉ khoảng 4% dân số đã được tiêm vaccine trong khi số ca lây nhiễm đang tăng.

Ngoài lô vaccine hôm nay, Việt Nam trước đó đã tiếp nhận gần 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua Cơ chế COVAX. Kể từ khi lô vaccine đầu tiên đến Việt Nam hồi đầu tháng 4/2021 thông qua Cơ chế COVAX, đến nay cả nước đã tiêm gần 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Nguồn vaccine bổ sung giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I/2022.

Bộ Y tế đã có 4 phương án chi viện nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh

 Sẵn sàng lên kịch bản để ứng phó trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày, dự kiến có thể lên tới 10.000 người/5 ngày sắp tới, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực “bóc ngay” các ca F0 ra khỏi cộng đồng, “giữ chặt vùng xanh”, cắt đứt chuỗi lây nhiễm “vùng đỏ”. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc giao ban trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì vào sáng 10/7, tại Trụ sở Chính phủ. Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham dự cuộc họp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị toàn thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, “giữ chặt vùng xanh an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ”, tuyệt đối không để tập trung đông người hoặc không để người dân ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày) nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại thành phố có thể lên tới 10.000 người. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nỗ lực “bóc ngay” ca F0 ra khỏi cộng đồng.

Theo kịch bản, ước tính trong 15 ngày tới, với 1.600 ca mắc/ngày (trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1), thành phố cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm Xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn VinGroup tài trợ, với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày.

Nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao sẽ được thực hiện mẫu gộp toàn bộ gia đình, dự kiến cần sử dụng 1,6 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh. Tuy nhiên, do những gia đình trong khu vực này đã hoàn toàn được giãn cách, do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình để tiết kiệm test nhanh.

Bộ Y tế đã có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, bộ sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm cho bệnh viện chuyên hồi sức với công suất 1.000 giường; điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của thành phố. Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng; điều động 500 người truy vết, lấy mẫu theo thành phố yêu cầu. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm