Quy trình trồng rau ăn lá

Quy trình trồng rau ăn lá
I- Cơ sở vật chất – kỹ thuật để trồng rau ăn lá

Trong xu hướng hiện nay để nâng cao ngành trồng rau chúng ta cần quan tâm đến thâm canh nhằm:

– Đạt năng suất cao.

– Nâng cao chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng sạch, an toàn.

– Sản phẩm phải đa dạng, nhiều chủng loại để hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như trong tiêu thụ.

– Giá thành sản phẩm thấp để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Do vậy cần phải chuẩn bị cơ sở vật chất- Kỹ thuật, tốt để tiến hành thâm canh.

1. Chọn đất – Thiết kế cánh đồng trồng rau ăn lá

Về đất chúng ta cần chú ý chọn các loại đất cát pha, thịt nhẹ tức là các loại đất có sa cấu nhẹ dễ thoát nước, đất có độ chua từ hơi chua đến trung tính (pH của đất biến động từ 5 – 7) là tốt nhất.

Hình minh họa
Hình minh họa

Rau ăn lá là một loại cây trồng cho năng suất cao, thời gian gieo trồng ngắn, đòi hỏi sự luân canh thường xuyên trong quá trình gieo trồng. Do vậy, cần bố trí quy hoạch theo từng ô, thửa, từng khu vực. Kết hợp hế thống tưới tiêu và giao thông nội đồng nhằm áp dụng cơ giới hoá, vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch. Tránh trường hợp bốc dỡ nhiều lần làm dập nát, thất thoát, giảm giá trị của sản phẩm.

Việc quy hoạch thiết kế hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng phục vụ vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu sau:

– Thoát nước nhanh, chống ngập úng.

– Chủ động sử dụng được nguồn nước tưới.

– Hệ thống giao thông nội đồng thuận tiện cho cơ giới và vận chuyển.

– Tiết kiệm được lao động, đất đai.

– Hệ thống tưới tiêu, giao thông phù hợp với điều kiện địa lý, địa hình của khu vực.

2. Chuẩn bị giống:

Giống là loại vật tư kỹ thuật đặc biệt, là tư liệu sản xuất quan trọng trong việc trồng rau ăn lá. Đủ hạt giống, hạt giống có chất lượng tốt thì mới chủ động được thời điểm gieo trồng, chủ động tạo sản phẩm đáp ứng tốt kế hoạch tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, phần lớn các loại rau ăn lá đều được các công ty sản xuất trong nước hoặc nhập từ nước ngoài. Tại thành phố có rất nhiều công ty cung cấp hạt giống có chất lượng cao. Tuy nhiên cần phải chú ý các yếu tố sau đây:
– Chất lượng hạt giống được quyết định bởi: tỷ lệ nảy mầm phải trên 85%, độ sạch phải trên 98%, ẩm độ hạt nhỏ hơn 10%, không có hiện tượng bị sâu mọt.
– Có rất nhiều giống rau ăn lá, tuy vậy, cần phải chọn giống cho phù hợp vì có giống phù hợp gieo trồng trong mùa mưa, có giống phù hợp gieo trồng trong mùa nắng. Do vậy, cần nắm bắt các thông tin về giống thật chính xác để quyết định chọn lựa.

– Số lượng hạt giống cũng là một yếu tố quan trọng để thực hiện kế hoạch sản xuất, bên cạnh lượng hạt giống cần gieo nên tính toán lượng hạt giống dự phòng.

– Các công ty cung cấp hạt giống có chất lượng cao, uy tín: Công ty Đông Tây, Công ty Trang Nông, Công ty Đại Địa, Công ty Giống cổ phần Miền Nam.

3. Chuẩn bị phân bón

Rau ăn lá là loại cây ngắn ngày nhưng cho khối lượng sản phẩm khá lớn. Do vậy, để tạo ra một sản lượng lớn cây trồng đã lấy đi từ đất một lượng dinh dưỡng tương ứng.

Lượng dinh dưỡng cây lấy từ đất là do quá trình phân giải của vi sinh vật cung cấp, phần lớn còn lại thông qua con đường phân bón.

Trong canh tác rau ăn lá,  phân hữu cơ chiếm một vai trò rất quan trọng. Ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng đa lượng NPK cho cây phân hữu cơ, phân hữu cơ còn là nguồn cung cấp các nguyên tố vi lượng mà cây trồng không thể thiếu trong quá trình phát triển và tạo năng suất như Bo, mangan, coban, kẽm, molipden…Phân hữu cơ còn đóng một vai trò quan trọng khác là làm tơi xốp đất, tăng độ mùn, góp phần cải tạo đất, giữ ẩm cho đất trong mùa khô. Khi gia tăng hàm lượng mùn, chúng kết hợp với các loại phân hoá học khi bón vào đất, giảm sự thất thoát phân bón và tăng hiệu suất sử dụng của phân bón.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh rất tốt để sử dụng cho rau, đặc biệt có những loại phân hữu cơ vi sinh có chứa các loại vi sinh vật đối kháng khi bón vào đất chúng sẽ phát triển hạn chế sự phát triển của các loại vi sinh vật gây bệnh cho cây.

Phân hữu cơ cần bón đúng cách mới phát huy tác dụng, nên bón  phân đã được ủ hoai và bón lót trước khi trồng.

Phân hoá học: là các loại phân cung cấp các nguyên tố đa lượng cho cây chủ yếu NPK. Có loại phân đơn chỉ chứa một chất như Urê chứa đạm, KCl chỉ chứa kaly, Super lân chỉ chứa lân… Có những loại phân hổn hợp được phối chế chứa từ 2 chất trở lên như phân DAP, NPK…

Khi bón phân cho rau cần lưu ý bón đúng lượng, đúng loại, đúng thời điểm, đúng cách.

4. Công tác Bảo vệ thực vật

Rau ăn lá là một nhóm cây trồng chứa nhiều dinh dưỡng nên có rất nhiều sâu bệnh hại. Chúng phá hại quanh năm, có loại chuyên tính nhưng phần lớn là đa thực.

Rau ăn lá các bộ phận sử dụng thường non, chứa nhiều dinh dưỡng nên có tính hấp dẫn côn trùng. có thời gian sinh trưởng ngắn, nếu gặp điều kiện bất lợi chúng sẽ phát triển kém và khả năng hồi phục chậm so với sự tái sinh của sâu bệnh. Rau ăn lá sản xuất quanh năm nên sâu bệnh dễ lây lan không thể xử lý triệt để được, chúng ẩn nấu, tồn lưu lâu dài, nếu có điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát triển một cách nhanh chóng.Vì vậy trang bị các kiến thức về BVTV cũng như nắm bắt các thông tin về các loại thuốc BVTV phục vụ cho sản xuất để phòng trừ kịp thời chủ động là cần thiết.

Khi sử  dụng thuốc cho rau ăn lá cần chú ý đến 4 đúng:

– Đúng thuốc.

– Đúng lúc.

– Đúng liều lượng, nồng độ.

– Đúng cách và Thời gian cách ly.

Nên áp dụng triệt để các biện pháp IPM trong phòng  trừ dịch hại. Nếu làm tốt công tác này thì đây là phương pháp hiệu quả nhất, không những bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, tiêu dùng và môi trường, mà còn  đem hiệu quả rất lớn về kinh tế.

5. Chuẩn bị thiết bị – công cụ sản xuất

Rau ăn lá bị ảnh hưởng rất lớn bởi điều kiện thời tiết. Việc thâm canh cần có các thiết bị chuyên dùng.

+ Công cụ làm đất: bao gồm các loại máy móc phục vụ làm đất. Cuốc các loại, Cào nhiều răng phục vụ san bằng mặt luống…

+ Công cụ trồng cây.

+ Dụng cụ  gieo ươm cây con: khay gieo hạt

+ Thiết bị tưới: máy bơm nước, bình tưới, hệ thống tưới phun, bình phun thuốc…

+ Phương tiện vận chuyển: Xe cải tiến vận chuyển sản phẩm, vật tư phân bón.

+ Nhà lưới: là thiết bị không thể thiếu được trong việc canh tác rau ăn lá. Tuỳ theo điều kiện, tính chất của sản xuất mà chúng ta có thể xây dựng nhà lưới kín, hở, kiên cố, bán kiên cố… Tuy nhiên theo yêu cầu chung, nhà lưới có tác dụng lớn nhất vẫn là  giúp cây phát triển tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi, chủ động được kế hoạch sản xuất, cung cấp sản phẩm cho thị trường, gia tăng hệ số gieo trồng trong năm.

6. Vốn cho sản xuất

(Chi phí tính trên 1000m2 – Theo nguồn TTKN – 2004)

Vốn xây dựng cơ bản :

+ Nhà lưới:  20.000.000 đ    

Khấu hao trong 5 năm

+ Hệ thống tưới phun:  2.000.000 đ

Khấu hao trong 5 năm.

+ Phuơng tiện vận chuyển: 1.000.000 đ

Khấu hao trong 5 năm.

+ Giếng khoan:  1.000.000 đ

Tổng cộng:   24.000.000 đ

Vốn sản xuất:

+ Giống rau các loại: 250.000 đ/vụ gieo trồng.

+ Phân bón các loại:  620.000 đ/vụ gieo trồng.

+ Thuốc BVTV  340.000 đ/vụ gieo trồng

+ Làm đất   180.000 đ/vụ gieo trồng.

+ Lao động thuê mướn: 890.000 đ/vụ gieo trồng

Vật tư khác:  530.000 đ/vụ gieo trồng.

Tổng cộng:  2.810.000 đ

Như vậy nguồn vốn để sản xuất rau ăn lá chia làm

2 loại:

Vốn xây dựng cơ bản: 240.000.000 đồng/ha (khấu hao trong 5 năm)

Vốn sản xuất: 28.100.000đồng/ha /vụ (vụ sản xuất 25 – 30 ngày)

Vốn sản xuất/năm: 112.00.000 đồng/ha.

7. Lao động

Sản xuất rau ăn lá đòi hỏi người lao động phải được trang bị các kiến thức về khoa học kỹ thuật nhất định, mới có thể tiến hành sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, sạch.

Các nội dung kiến thức nông dân cần được trang bị:

+ Hiểu biết về giống.

+ Hiểu biết về dinh dưỡng cây trồng.

+ Kiến thức về phòng trừ sâu bệnh.

+ Biết sử dụng các thiết bị phục vụ sản xuất rau an toàn, hợp lí, tiết kiệm…

+ Biết tổ chức sản xuất.

+ Hiểu biết về thị trường.

8. Tổ chức sản xuất

Sản xuất rau ăn lá phải được quy hoạch thành một vùng việc tập hợp nông dân hình thành các tổ chức như Tổ sản xuất, Hợp tác xã là một điều kiện tất yếu không thể thiếu được vì những lý do sau:

+ Theo nền kinh tế thị trường, một nông dân không thể sản xuất đủ các loại rau để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ do vậy phải liên kết phân chia nhiệm vụ sản xuất các chủng loại khác nhau trong cơ cấu luân canh theo thời gian.

+ Có liên kết với nhau hình thành  một tổ chức mới có đủ năng lực để tiến hành tiếp thị, hợp đồng kinh tế tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ lớn.

+ Quá trình liên kết tạo cho các nông dân các điều kiện trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ sản xuất hoàn thiện các quy trình để đổi mới sản xuất. Sự liên kết với nhau mới có thể áp dụng đồng bộ các biện pháp cơ giới hoá trong sản xuất con giống, làm đất, canh tác, mua sắm trang thiết bị cũng như tiến hành sơ chế bảo quản nông sản sau thu hoạch tốt hơn.

+ Mọi quan hệ hợp tác mới có khả năng xây dựng các dự án vay vốn phát triển sản xuất khả thi dễ được chấp nhận.
Theo hatgionghanoi.com

Có thể bạn quan tâm