Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ

Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ
Hội thảo được tổ chức nhằm kịp thời bổ sung các quy định cho phù hợp trong phát triển thủy điện. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp và định hướng phát triển công nghệ trong ngành năng lượng tại Việt Nam.
Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo: Sản xuất và lắp đặt 3 trạm thủy điện nhỏ và vừa cho huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: Minh Đông - TTXVN
Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo: Sản xuất và lắp đặt 3 trạm 
thủy điện nhỏ và vừa cho huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: Minh Đông - TTXVN
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết,  năng lượng là đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đóng vai trò thiết yếu trong sinh hoạt và tiêu dùng, là yếu tố động lực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển an toàn bền vững và hiệu quả, đồng thời tiến tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường… là yêu cầu cấp bách. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, việc thúc đẩy quá trình cải thiện hiệu quả sản xuất và sử dụng năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp đang được các nhà quản lý, giới chuyên môn quan tâm. Trong đó, vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị để tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng.
Hệ thống cột phong điện tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Hệ thống cột phong điện tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, Bộ xác định, chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp khoa học công nghệ tiết kiệm và tăng hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý để các nhà sản xuất trong nước quan tâm đến lĩnh vực thiết bị công nghệ thủy điện vừa và nhỏ, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước, hạn chế tối thiểu các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; trong 8 tháng năm 2017 đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện), đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước... Tại một số tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắk, Lâm Đồng..., các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách. Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật: điện, đường, trường, trạm… và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh. Mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW; đến năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW. Công tác quản lý nhà nước về thủy điện mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm. Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận. Để giải quyết những tồn tại, Bộ Công Thương đã ban hành quy định liên quan tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 và đang triển khai nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện tại mới là 180 MW); đến năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2030 là 6.000 MW. Các tham luận tại hội thảo cũng chia sẻ thực tế trong phát triển thủy điện nhỏ và vừa tại các địa phương và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển thủy điện nhỏ và vừa, cũng như các chiến lược để phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - hiệu quả - bền vững trong thời gian tới.
Thu Hà

Có thể bạn quan tâm