Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ…

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Nghị định này. Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Nghị định nêu rõ: Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành; xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước; đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người…

Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập phải có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu. Việc tổ chức lại các đơn vị đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị. Trường hợp thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hợp nhất, sáp nhập được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền…

Đơn vị sự nghiệp công lập bị giải thể là đơn vị không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước; không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2020. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm