Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngày 14/2/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc ban hành Nghị định đã mang lại một số kết quả tích cực, như: Tăng quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trong sử dụng tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực trong cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện sử dụng các thế mạnh về tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thời gian qua cho thấy tồn tại một số hạn chế, do vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 nhằm khắc phục những hạn chế này.

Quy dinh moi ve co che tu chu tai chinh cua don vi su nghiep cong lap hinh anh 1Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Thành phố Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Sửa quy định về nguồn tài chính

Về nguồn tài chính, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tách rõ nguồn thu. Cụ thể, nguồn thu hoạt động sự nghiệp gồm: Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công; Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể các hình thức liên doanh liên kết và việc phân phối kết quả chênh lệch thu chi từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất chung về việc phân phối kết quả từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 60/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết.

Theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định này không quy định việc sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới. Trường hợp liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới thì đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo các quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khác.

Nghị định cũng quy định việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh, liên kết. Cụ thể, đối với hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới: Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bổ sung toàn bộ kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết vào nguồn tài chính của đơn vị có hoạt động liên doanh, liên kết theo đề án liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với hình thức liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới: số tiền thu được từ kết quả phân chia của hoạt động liên doanh, liên kết sau khi chi trả các chi phí lãi vay, chi phí thuê tài sản đem đi góp vốn (nếu có); phần thu nhập được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý và sử dụng theo đề án liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

TTXVN



Tin liên quan

Bộ trưởng Nội vụ: Cơ cấu lại bộ máy Chính phủ, nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính khi còn là Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương đã nhấn mạnh “kết quả về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII”. Những kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW nhiệm kỳ qua có thể nói là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả như tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào 5 nhóm giải pháp trọng tâm.


Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.


Bảo đảm đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế

Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021 đến năm 2021, khối Chính phủ và chính quyền địa phương phải giảm ít nhất là 354.624 người so với số giao năm 2015. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng Kế hoạch biên chế công chức, thẩm định biên chế sự nghiệp hàng năm của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu là 10% biên chế giao năm 2015.



Đề xuất