Quảng Trị: Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu

Nông dân ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ trồng mới cây cà gai leo bằng phương pháp phủ bạt ni long, tưới nhỏ giọt. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Nông dân ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ trồng mới cây cà gai leo bằng phương pháp phủ bạt ni long, tưới nhỏ giọt. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Tỉnh Quảng Trị đã và đang xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu, qua đó nâng cao giá trị cho loại cây này.

Quảng Trị: Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu ảnh 1Nông dân ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ trồng mới cây cà gai leo bằng phương pháp phủ bạt ni long, tưới nhỏ giọt. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Công ty TNHH Một thành viên Mai Thị Thủy xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây cà gai leo ở huyện Cam Lộ. Thực hiện mô hình này, công ty đã liên kết trồng 5 ha cà gai leo; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, áp dụng quy trình sản xuất an toàn sinh học, chỉ sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm tự nhiên như gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu để phòng trừ sâu bệnh.


Mỗi năm cà gai leo cho thu hoạch từ 2 - 3 lứa, năng suất khô đạt 20 - 24 tạ/ha, thu nhập 160 - 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất thu lãi từ 100 - 130 triệu đồng/ha.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã sản xuất thương mại cà gai leo với sản phẩm “Cà gai leo – linh chi hòa tan Cagali”. Sản phẩm này có dược tính ưu việt là hỗ trợ cho người bị các bệnh về gan.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu khác cho hiệu quả kinh tế cao như chè vằng, sâm bố chính, sả, nghệ. Đến tháng 1/2021, tỉnh đã có khoảng 1.500 ha cây dược liệu; trong đó, một số cây chủ lực có diện tích lớn như chè vằng 85 ha, nghệ 540 ha, sả 250 ha, đinh lăng 80 ha, ba kích 450 ha…

Tuy nhiên việc phát triển cây dược liệu còn hạn chế như: thiếu định hướng bảo tồn đã và đang làm cạn kiệt nguồn dược liệu trong tự nhiên; thiếu doanh nghiệp có tiềm lực liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu. Cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng trồng dược liệu còn hạn chế; chưa có quy hoạch vùng sản xuất và bản đồ dược tính dẫn đến thiếu các vùng trồng dược liệu quy mô lớn, đảm bảo chất lượng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, để khắc phục những hạn chế, tỉnh tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu.

Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu như khi tham gia dự án trồng cây chè vằng tập trung, người dân được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, công làm đất với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha; tham gia dự án trồng các cây dược liệu khác được hỗ trợ vay vốn ưu đãi.

Tỉnh huy động nguồn lực tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng một số dược liệu quý, từ đó chọn ra bộ sản phẩm dược liệu có giá trị thương mại cao; đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm