Quảng Trị tập trung ứng phó với bão số 13

Ngày 14/11, chính quyền các địa phương trong tỉnh Quảng Trị cùng người dân đang khẩn trương thực hiện công tác ứng phó với bão số 13.

Quang Tri tap trung ung pho voi bao so 13 hinh anh 1Tàu thuyền ngư dân huyện Vĩnh Linh neo đậu an toàn tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên vào đầu giờ chiều 14/11, ở các địa phương vùng ven biển của tỉnh Quảng Trị có gió khá mạnh và mưa vừa đến mưa to, đồng ruộng ở vùng thấp trũng đã bị ngập úng.

Ngư dân Quảng Trị đã đưa toàn bộ hơn 2.300 tàu cá vào neo đậu tránh trú bão số 13 tại các khu neo đậu tránh trú bão: Cửa Tùng, Nam Cửa Việt và Bắc Cửa Việt.

Tại các khu neo đậu tránh trú này, lực lượng biên phòng tổ chức giúp ngư dân đưa lưới từ tàu cá lên bờ để bảo quản nhằm tránh thiệt hại do bão gây ra; đồng thời, khẩn trương chằng buộc và sắp xếp tàu cá vào neo đậu đúng vị trí đảm bảo an toàn.

Ngư dân Trần Văn Hồng, 48 tuổi, đưa tàu cá công suất lớn vào tránh trú ở khu neo đậu Bắc Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh cho biết: Qua thông tin trên báo đài, ngư dân đã sớm biết được cơn bão số 13 có hướng di chuyển khó đoán định, gió giật mạnh và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Trị. Do đó, ngư dân đã sớm chủ động, khẩn trương đưa tàu vào tránh trú, đồng thời tổ chức đưa lưới và tài sản lên bờ, chằng buộc tàu thuyền rất cẩn thận để giảm thiệt hại khi bão vào.

Quang Tri tap trung ung pho voi bao so 13 hinh anh 2Người dân ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chằng chống nhà cửa phòng chống bão số 13. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Trong khi đó, những hộ dân có nhà cấp 4 mái lợp tôn hoặc ngói đã khẩn trương đưa những bao tải cát lên mái nhà để gia cố, phòng khi có gió bão mạnh làm tốc mái. Lực lượng chức năng của thành phố Đông Hà, tổ chức cắt tỉa cành của hàng nghìn cây xanh dọc theo các tuyến đường chính như: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Nguyễn Trãi. Trong đó, tập trung cắt tỉa cành của các cây họ muồng và phượng có tán rộng, nhiều lá nên có nguy cơ cao gãy đổ khi có gió bão.

Công tác di dời dân tránh bão ở vùng ven biển, xung yếu cũng đang diễn ra rất khẩn trương.

Tại xã ven biển Triệu An, huyện Triệu Phong chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, giúp người dân sinh sống ở vùng xung yếu ven biển, nhà ở không kiên cố, di dời đến các trường học, trạm y tế, công sở để tránh trú an toàn.

Quang Tri tap trung ung pho voi bao so 13 hinh anh 3 Người dân ở các xã vùng biển Quảng Trị được lực lượng chức năng di dời đến nơi trú tránh an toàn. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Triệu An, địa phương đã tổ chức di dời trên 400 người từ nhà không kiên cố đến nhà ở kiên cố, công sở để đảm bảo an toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, các địa phương trong tỉnh tùy diễn biến của bão số 13, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất để điều chỉnh phương án di dời dân đảm bảo kịp thời, an toàn. Theo đó, trong trường hợp bão chỉ ảnh hưởng, không trực tiếp đổ bộ sẽ di dời 6.355 hộ với gần 18.000 người đến khu vực an toàn; trường hợp bão đổ bộ trực tiếp sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để tránh bão.

Đối với di dời dân tránh lũ do mưa bão, nếu có lũ vừa và lớn sẽ di dời hơn 8.500 hộ với gần 26.000 người; nếu có lũ đặc biệt lớn di dời hơn 15.000 hộ với gần 50.000 người ở 99/124 xã, phường, thị trấn đến nơi an toàn. Tỉnh cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và các xã miền núi của các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng hoàn thành việc di dời dân đến nơi an toàn trước 15 giờ ngày 14/11; tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18 giờ ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của cơ quan chức năng; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn, trừ lực lượng làm công tác cứu hộ cứu nạn và trường hợp đặc biệt.

Hiện nay, dung tích các hồ chứa ở Quảng Trị đã cơ bản đạt dung tích trữ. Đối với các hồ chứa vừa và lớn, đơn vị quản lý các công trình này đã xây dựng kế hoạch vận hành điều tiết xả lũ đối với hồ có cửa van điều tiết, với lưu lượng xả lũ ứng với kịch bản mưa và lượng nước đến hồ. Tùy theo tình hình mưa lũ, đơn vị quản lý các hồ chứa chủ động điều tiết xả lũ, bảo đảm an toàn hồ đập, hạn chế thấp nhất gây ngập lụt vùng hạ du. Riêng Hồ Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị đã đạt 100% dung tích trữ nên tiến hành điều tiết xả lũ từ đêm ngày 11/11, với lưu lượng xả trung bình qua tràn 45 m3/s.


Nguyên Lý

Tin liên quan

Ứng phó với bão số 13: các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống bão

Công tác ứng phó với bão số 13 đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai tích cực, khẩn trương. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống bão, không được chủ quan, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.


Thời tiết ngày 14/11/2020: Ảnh hưởng bão số 13, từ sáng và trưa 14/11, trên đất liền phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8-9, mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng đến Thừa Thiên - Huế khoảng 390 km về phía Đông, cách Quảng Trị khoảng 510 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165 km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.


Ứng phó với bão số 13: Thừa Thiên – Huế di dời trên 19.600 hộ dân đến nơi an toàn

Ngày 13/11, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, để ứng phó với bão số 13, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn; hoàn thành trước khi bão đổ bộ vào đất liền dự kiến trong tối 14/11.



Đề xuất