Quảng Trị tập trung tái canh cây công nghiệp chủ lực

Quảng Trị tập trung tái canh cây công nghiệp chủ lực
Quảng Trị chặt bỏ, chuyển đổi diện tích cao su cho hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh : Nguyễn Văn Lý - TTXVN
Quảng Trị chặt bỏ, chuyển đổi diện tích cao su cho hiệu quả kinh tế thấp.
Ảnh : Nguyễn Văn Lý - TTXVN
Hiện cả tỉnh có trên 5.100 ha cà phê, chủ yếu ở huyện miền núi Hướng Hóa. Năm 2018, địa phương này đã tái canh được 150 ha cà phê. Để có kết quả này, địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp sang trồng các giống cà phê cho năng suất cao. Theo đó, nếu trồng mới và tái canh vườn cà phê, người dân được hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, phân bón, lương thực, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị dành trên 250 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tái canh hàng nghìn héc-ta cà phê. Tương tự, tỉnh Quảng Trị cũng đang tập trung tái canh cây cao su. Tỉnh hiện có trên 19.000 ha cao su, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tái canh hoặc chuyển đổi trồng cây khác, nhằm thay thế diện tích cao su già cỗi hay bị sâu bệnh. Theo ông Phạm Viết Thanh, Phó phụ trách phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ, với diện tích cao su già cỗi, địa phương chủ trương vận động người dân trồng giống mới thay thế hoặc chuyển đổi sang cây trồng ngắn ngày; trong đó, chú trọng liên kết trong việc trồng cây dược liệu để đảm bảo đầu ra. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, trong năm 2018, tỉnh đã tái canh được 700 ha cây công nghiệp chủ lực gồm cà phê 150 ha, cao su 500 ha, hồ tiêu 50 ha. Năm 2019, tỉnh dự kiến tái canh thêm 550 ha; trong đó, cà phê 150 ha, cao su 350 ha, hồ tiêu 50 ha. Tỉnh khuyến khích tái canh các cây trồng chủ lực, gắn với xây dựng “cánh đồng lớn”. Theo đó, “cánh đồng lớn” đảm bảo tiêu chí cơ bản về quy hoạch, tham gia liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, có diện tích tối thiểu đối với mỗi loại cây trồng như cao su 50 ha, hồ tiêu 5 ha, cà phê 10 ha… Giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh dành trên 23 tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất “cánh đồng lớn” theo chuỗi giá trị…
Nguyên Lý

Có thể bạn quan tâm