Quảng Trị tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Trụ sở Đảng ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng). Ảnh: baoquangtri.vn
Trụ sở Đảng ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng). Ảnh: baoquangtri.vn

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa ký quyết định công nhận 6 xã thuộc các huyện Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Quảng Trị tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới ảnh 1Trụ sở Đảng ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng), một trong 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đợt này. Ảnh: baoquangtri.vn

6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Triệu Vân, Triệu An và Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), Gio Mai, Hải Thái (huyện Gio Linh) và Hải Chánh (huyện Hải Lăng). Trong đó, 4 xã vừa thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển: Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng và Gio Mai.

Ông Trần Trọng Tuấn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách nông thôn mới tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn thẩm định thực tế và đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 (gồm: xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Kim Thạch, Vĩnh Giang, Vĩnh Thủy, Triệu Trạch và Triệu Đại).

Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 69/101 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 68,3%) và một huyện đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (huyện Cam Lộ). Toàn tỉnh có hai xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh và xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa) đạt chuẩn thôn nông thôn mới. 4 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn thôn nông thôn mới; 33 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo kế hoạch, Quảng Trị phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hai huyện (Hải Lăng và Triệu Phong) đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Tỉnh ủy có Nghị quyết số 03/2021 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị có thêm bốn huyện đạt chuẩn nông thôn mới và có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó, toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25% số xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã dưới 13 tiêu chí. Phấn đấu có 40% số thôn, bản của các xã khó khăn và chín xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Trị tập trung huy động nhiều nguồn lực, trong đó ngân sách Trung ương bố trí là 403 tỷ đồng (đã giải ngân 237 tỷ đồng), ngân sách tỉnh hơn 391 tỷ đồng (đã giải ngân 191 tỷ đồng) cho các đơn vị, địa phương. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, doanh số cho vay các cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa các xã trong toàn tỉnh đến quý I/2023 đạt 12.400 tỷ đồng, Đồng thời, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Trị đã huy động được 114 tỷ đồng đồng từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác; huy động được 217 tỷ đồng đồng vốn đóng góp từ cộng đồng dân cư tập trung vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, xây dựng nông thôn mới luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc và triển khai quyết liệt, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã được nâng cao. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cơ bản đạt được lộ trình của tỉnh đề ra, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm