Quảng Trị: Sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng nhưng nguồn lực ứng phó hạn chế

Quảng Trị: Sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng nhưng nguồn lực ứng phó hạn chế

Biến đổi khí hậu và khai thác cát trái phép được cho là nguyên nhân chính khiến bờ của các con sông ở tỉnh Quảng Trị bị sạt lở ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9 - 11 hàng năm. Tình trạng này không chỉ gây mất đất sản xuất, đất ở, làm hư hỏng công trình của Nhà nước và cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nguồn lực để tỉnh ứng phó với sạt lở bờ sông còn hạn chế.

Quảng Trị: Sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng nhưng nguồn lực ứng phó hạn chế ảnh 1Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Thạch Hãn tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tối 16/10. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Thạch Hãn là một trong những con sông chính ở Quảng Trị. Tình trạng sạt lở bờ của con sông này đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường vào mùa mưa lũ suốt nhiều năm qua, nhất là đoạn qua thị xã Quảng Trị và hai huyện Triệu Phong, Gio Linh. Với địa hình dốc theo hướng từ Tây sang Đông, lũ trên sông Thạch Hãn thường lên rất nhanh mỗi khi có mưa lớn kéo dài.

Hậu quả là nhiều đoạn bờ sông Thạch Hãn bị biến dạng do sạt lở. Minh chứng là bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng từ nhiều năm qua với chiều dài khoảng 1.600 m, ăn sâu vào từ 5 - 15 m, ảnh hưởng trực tiếp đến 40 hộ dân, làm nứt nhiều công trình, nhà cửa và đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Đặc biệt đêm 16/10, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, làm sập hoàn toàn 3 nhà dân và khiến 1 người thiệt mạng.

Tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ đã được cảnh báo từ lâu. Tỉnh Quảng Trị đã sớm có chủ trương di dời khẩn cấp 40 hộ dân sinh sống ven con sông này đến khu tái định cư được xây dựng ngay trên địa bàn xã Hải Lệ. Khu tái định cư này bắt đầu xây dựng từ năm 2016 và hoàn thành vào tháng 6/2022. Khi đến đây ở, mỗi hộ dân được cấp 1.500 m2 đất, trong đó đất ở là 300 m2. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 5 trong số 40 hộ dân thôn Như Lệ chuyển đến nơi ở mới. Nguyên nhân là do mỗi hộ dân di dời đến nơi ở mới chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng.

Quảng Trị: Sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng nhưng nguồn lực ứng phó hạn chế ảnh 2Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Thạch Hãn tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tối 16/10. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, mức hỗ trợ như vậy là quá thấp nên không khuyến khích được người dân di dời. Do đó, tỉnh đang xem xét thực hiện nhiều giải pháp như kiến nghị Trung ương, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ để sớm có thêm kinh phí, giúp người dân sinh sống ven sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ di dời đến khu tái định cư, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Ngoài ra, bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở nghiêm trọng đoạn qua các xã: Triệu Thượng, Triệu Giang, Triệu Đông, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Long (huyện Triệu Phong); hai xã Gio Việt và Gio Mai (huyện Gio Linh).

Sinh sống nhiều năm ở ven bờ sông Thạch Hãn (đoạn thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong), ông Nguyễn Hữu Chiến và nhiều hộ dân khác luôn trong tình trạng lo sợ do bờ sông sạt lở mỗi khi có mưa lũ. Ông Chiến cho biết, bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra. Mong muốn của người dân là cơ quan chức năng sớm đầu tư xây dựng bờ kè để khắc phục tình trạng này và ngăn chặn khai thác cát trái phép.

Tương tự, bờ của các con sông khác ở Quảng Trị cũng đã bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều điểm nhưng chưa được đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố để khắc phục do thiếu kinh phí. Cụ thể, bờ sông Hiếu bị sạt lở nghiêm trọng đoạn qua các xã: Cam Thủy, Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) và Phường 3 (thành phố Đông Hà). Bờ sông Bến Hải đoạn qua các xã: Trung Sơn, Trung Giang (thuộc huyện Gio Linh); Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Bờ sông Ô Lâu ở huyện Hải Lăng bị sạt lở nặng đoạn qua các xã: Hải Chánh và Hải Sơn. Bờ sông Vĩnh Định đoạn qua các xã: Triệu Tài Tài, Triệu Hòa, Triệu Hòa (huyện Triệu Phong) đang bị sạt lở quy mô lớn.

Tổng chiều dài sạt lở bờ của các con sông ở Quảng Trị là khoảng hơn 105 km; trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 18 km, sạt lở nguy hiểm hơn 48 km, sạt lở bình thường trên 39 km. Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của 2.364 hộ ở 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có khoảng 600 hộ sống trong vùng thực sự nguy hiểm khi cách mép sông chỉ dưới 20 m.

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Quảng Trị dành 95 tỷ đồng đầu tư xây dựng bờ kè để khắc phục 7 km bờ sông bị sạt lở. Đây là nỗ lực lớn của địa phương nhằm khắc phục sạt lở bờ sông trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, kinh phí này mới chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu hàng trăm tỷ đồng để ứng phó với sạt lở bờ sông.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị Lê Quang Lam cho biết, thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã dành nguồn vốn nhất định để đầu tư, xây dựng kè chống sạt lở bờ sông ở những điểm xung yếu. Tuy nhiên, do điều kiện tỉnh còn khó khăn nên nguồn lực dành cho đầu tư, xây dựng bờ kè kiên cố để chống sạt lở bờ sông còn hạn chế. Tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ để có nguồn lực ứng phó với tình trạng này.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm