Quảng Trị phát triển vùng chuyên canh cây trồng gắn với công nghiệp chế biến

Quảng Trị phát triển vùng chuyên canh cây trồng gắn với công nghiệp chế biến
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 5.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Hướng Hóa, cho sản lượng khoảng 100.000 tấn quả tươi/năm. Đến tháng 11/2018, tỉnh có 14 cơ sở thu mua và chế biến cà phê, với tổng công suất gần 100.000 tấn quả tươi/năm; qua đó giúp tiêu thụ hết lượng cà phê trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đánh giá, việc phát triển vùng chuyên canh cây cà phê gắn với công nghiệp chế biến, có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở vùng phía Tây của tỉnh. Hướng đi này giúp giải quyết việc làm, tạo ra mặt hàng xuất khẩu cà phê với thương hiệu nổi tiếng “Cà phê Khe Sanh”; qua đó góp phần giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều. Đối với ngành công nghiệp biến lâm sản, tỉnh Quảng Trị đã vươn lên xếp vị trí thứ hai của cả nước về chế biến và xuất khẩu dăm gỗ. Đến nay, tỉnh có 2 nhà máy gỗ MDF, 27 nhà máy chế biến ván ghép thanh và gỗ dăm. Để đáp ứng nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến và xuất khẩu, tỉnh đã phát triển trên 111.000 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai và tràm, cho tổng sản lượng gỗ khai thác đạt gần 1 triệu m3/năm. Trong tổng số diện tích rừng trồng, tỉnh đã phát triển được trên 22.000 ha rừng được cấp Chứng chỉ Tiêu chuẩn rừng FSC, dẫn đầu cả nước về loại rừng này. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có các sản phẩm nổi tiếng từ gỗ như: gỗ ghép thanh, viên nén năng lượng... đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn phát triển ngành công nghiệp chế biến đối với nhiều loại cây trồng khác. Theo đó, tỉnh có 1.300 cơ sở xay xát, đánh bóng gạo, với tổng công suất chế biến 80.000 tấn/năm, chiếm hơn 30% tổng sản lượng lúa của tỉnh; qua đó vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Với cây sắn, tỉnh có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất 400.000 tấn sắn của tươi/năm; góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng sắn từ 30 – 40 triệu đồng/ha/năm. Với cây cao su, tỉnh có 7 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất chế biến 22.500 tấn/năm, đảm bảo tiêu thụ mủ cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020…
Nguyên Lý

Có thể bạn quan tâm