Quảng Trị nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Cán bộ cơ sở ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân ngăn ngừa nạn tảo hôn. Ảnh: baoquangtri.vn
Cán bộ cơ sở ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân ngăn ngừa nạn tảo hôn. Ảnh: baoquangtri.vn

Tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện các giải pháp nhằm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Trị nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh 1Cán bộ cơ sở ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân ngăn ngừa nạn tảo hôn. Ảnh: baoquangtri.vn

Đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị chủ yếu sinh sống trên địa bàn hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Đây cũng là hai địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2016 – 2021 ở huyện miền núi Đakrông có 484 cặp tảo hôn; trong đó có 81 cặp tảo hôn cả vợ và chồng, 9 cặp hôn nhân cận huyết thống. Chỉ tính riêng trong năm 2021, huyện miền núi Hướng Hóa có 122 cặp tảo hôn; trong đó có 5 cặp tảo hôn cả vợ và chồng.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua. Nguyên nhân là do đời sống của người dân còn khó khăn nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Một số cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xem tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là chuyện riêng của từng gia đình; không ít gia đình muốn con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động.

Các địa phương ở tỉnh Quảng Trị đã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng và nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi, huyện tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình; thực hiện giải pháp ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm như các thôn xây dựng mô hình ký hương ước, quy ước không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ văn hóa xã hội cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; duy trì mức giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống; hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm