Quảng Trị: "Nhà" tránh lũ cho gia súc - mô hình hiệu quả cần nhân rộng

Quảng Trị: "Nhà" tránh lũ cho gia súc - mô hình hiệu quả cần nhân rộng

Người xưa có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp” và để bảo vệ được “cơ nghiệp” ấy, vai trò của những căn nhà tránh lũ dành cho gia súc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mùa mưa lũ. Hiệu quả của các căn “nhà lầu” ấy đã được chứng minh qua những trận lũ lịch sử tại Quảng Trị trong suốt những năm qua.

Quảng Trị: "Nhà" tránh lũ cho gia súc - mô hình hiệu quả cần nhân rộng  ảnh 1Hộ gia đình ông Hồ Xuân Lỵ, thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ nhờ có chuồng tránh lũ cho gia súc nên trong các trận lũ năm 2020, 5 con bò của gia đình vẫn an toàn. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Gia đình ông Hồ Xuân Lỵ (71 tuổi), thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ hiện đang nuôi 10 con bò lai sind, giá trị mỗi con từ 35-40 triệu đồng. Để chuẩn bị cho mùa mưa lũ năm nay, gia đình ông đã dự trữ sẵn rơm rạ, cây lạc, ngô và thức ăn khô sẵn ở một ô trên tầng 2 của căn nhà tránh lũ dành cho gia súc. Ngăn còn lại đã được ông quét dọn sẵn để trống, nếu mưa lũ xảy ra chỉ cần dắt bò lên ở là đảm bảo an toàn.

Ông Lỵ cho biết, làng Bình Mỹ là “rốn lũ” của cả huyện nên chỉ cần một trận mưa lớn là nơi đây lại ngập sâu trong nước. Để bảo vệ được đàn bò của gia đình, vào năm 2017, ông quyết định làm căn nhà tránh lũ này cho đàn gia súc. Chính vì vậy, trong năm 2020, khi mưa lũ kéo dài, liên tiếp nhiều ngày nhưng đàn bò của gia đình vẫn đảm bảo an toàn...

Quảng Trị: "Nhà" tránh lũ cho gia súc - mô hình hiệu quả cần nhân rộng  ảnh 2Bên dưới các căn nhà tránh lũ được dùng để nuôi nhốt bò. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Là địa phương thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, kinh tế gia đình các hộ dân trong thôn Bình Mỹ chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp; trong đó chăn nuôi bò đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để đối phó với các cơn “đại hồng thủy”, từ năm 2014, người dân nơi đây bắt đầu triển khai xây dựng các căn nhà tránh lũ dành cho gia súc.

Khảo sát thực tế tại các hộ gia đình trong xã, ông Đoàn Ánh Phước (54 tuổi), thôn Bình Mỹ chia sẻ, ở đây, bà con trồng cỏ trên cánh đồng lớn để chăn nuôi bò. Nhà nuôi nhiều thì có vài chục con, nhà ít thì nuôi 2 hoặc 3 con. Đối với người nông dân, con trâu, con bò chính là tài sản lớn nhất của gia đình. Những căn nhà tránh lũ vừa là nơi chứa thức ăn khô vừa là nơi bảo vệ đàn bò trong những ngày mưa lũ. Bởi vậy, dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn gắng đầu tư xây cho được cái chuồng tránh lũ để bảo vệ đàn vật nuôi…

Quảng Trị: "Nhà" tránh lũ cho gia súc - mô hình hiệu quả cần nhân rộng  ảnh 3Người dân dự trữ rơm rạ ở 1 ngăn của tầng 2 trên các căn nhà tránh lũ dành cho gia súc. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Các căn nhà tránh lũ dành cho gia súc được thiết kế với hai tầng riêng biệt, có hành lang nối liền giữa hai tầng để có thể dắt trâu bò và vận chuyển lương thực lên dễ dàng. Công năng sử dụng gồm tầng 1 dùng để nuôi, nhốt gia súc; tầng 2 được chia làm 2 phần để đựng thức ăn khô dự trữ và để nhốt trâu, bò khi nước lũ dâng cao. Những căn nhà tránh lũ dành cho gia súc đạt hiệu quả tốt đã trở thành “cứu tinh” cho các hộ gia đình chăn nuôi ở xã Cam Tuyền cũng như người dân khắp địa bàn vùng trũng của nhiều huyện như Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh… trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Căn nhà tránh lũ của gia đình của ông Trần Viết Bình (65 tuổi), thôn Bình Mỹ được xây dựng từ năm 2019 với chiều cao khoảng 2,5m. Ông Bình cho biết, trước đây, gia đình chỉ nuôi 2-3 con nhưng từ khi mở rộng chăn nuôi với cánh đồng cỏ lớn thì ông đã quyết định xây dựng chuồng tránh lũ dành cho gia súc để bảo vệ đàn vật nuôi. Đỉnh lũ năm 2020, chuồng tránh lũ này đã phát huy tác dụng, riêng 3 con bò của ông vẫn “bình an vô sự”. Không chỉ riêng nhà ông Bình, hầu hết các nhà trong thôn đều đã xây chuồng tránh lũ. Nhờ vậy, trong đợt lũ lịch sử năm ngoái, hầu như không gia đình nào bị thiệt hại về đàn bò…

Quảng Trị: "Nhà" tránh lũ cho gia súc - mô hình hiệu quả cần nhân rộng  ảnh 4Căn nhà tránh lũ dành cho gia súc của gia đình ông Trần Viết Bình (65 tuổi), thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ được xây dựng từ năm 2019. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Theo thống kê của UBND xã Cam Tuyền, trên địa bàn xã có khoảng 40 căn nhà chống lũ dành cho gia súc, tập trung ở thôn Bình Mỹ. Mỗi căn nhà chống lũ có giá trị từ 20-30 triệu đồng, được xây chắc chắn bằng bê tông, cốt thép. Chiều cao trung bình tính từ mặt đất lên từ 2,5-3m, diện tích sử dụng từ 25-40m2, tùy quy mô chăn nuôi của từng hộ.

Ông Nguyễn Anh Tuân, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, là xã thuần nông nên người dân ở đây thu nhập chính chủ yếu nhờ nông nghiệp. Đặc biệt, phong trào chăn nuôi bò lai nhốt chuồng từ vườn cỏ lớn đã giúp nhiều hộ nuôi thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để bảo vệ được đàn bò của xã ở những vùng trũng, thấp thì mô hình xây chuồng tránh lũ cho gia súc đóng vai trò rất quan trọng.

Nhờ đó, người dân có chỗ để dự trữ thức ăn khô cho đàn vật nuôi trong mùa mưa rét; đồng thời, đây cũng là nơi bảo vệ đàn gia súc trước những cơn "đại hồng thủy". Chỉ tính riêng trong 2 đợt lũ lớn năm 2020, trên địa bàn chỉ thiệt hại 1 con bò trong khi có trên 500 hộ dân bị ngập sâu trong nước suốt nhiều ngày liền. Đó là kết quả chứng minh tính hiệu quả của mô hình này và hiện xã đang phối hợp với các tổ chức như: hội nông dân, phụ nữ… tuyên truyền, vận động bà con xây dựng thêm chuồng tránh lũ cho gia súc để giảm thiểu thiệt hại về đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ…

Thanh Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm