Quảng Trị hướng tới trở thành trung tâm nguyên liệu chế biến gỗ miền Trung

Quảng Trị hướng tới trở thành trung tâm nguyên liệu chế biến gỗ miền Trung

Tỉnh Quảng Trị đang hướng đến trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung thông qua việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, trọng tâm là rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

Quảng Trị hướng tới trở thành trung tâm nguyên liệu chế biến gỗ miền Trung ảnh 1Diện tích rừng của người dân ở huyện Gio Linh. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

* Phát triển rừng gỗ lớn FSC

Cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2 – 3 lần so với trồng rừng thông thường, trồng rừng gỗ lớn FSC đã và đang được các hộ dân và tổ chức ở Quảng Trị tập trung phát triển. Huyện Triệu Phong có trên 14.760 ha rừng; trong đó, có hơn 13.720 ha rừng trồng sản xuất, còn lại là rừng tự nhiên.

Diện tích rừng trồng sản xuất là vùng nguyên liệu cung cấp chủ yếu cho 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản với khoảng 121.000 tấn gỗ/năm, tạo việc làm cho 500 lao động địa phương.

Để nâng cao chất lượng gỗ nguyên liệu và tăng thu nhập cho người trồng rừng, địa phương đã và đang xây dựng nhiều mô hình phát triển rừng gỗ lớn FSC với cây trồng chủ lực là keo lai như ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái 20 ha; thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng 22,5 ha, Hợp tác xã Thượng Phước, xã Triệu Thượng 10 ha.

Theo ông Bùi Công Phú, đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Triệu Phong, ban đầu triển khai trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, người dân không khỏi nghi ngờ về tính khả thi, bởi lâu nay phương thức trồng rừng gỗ nhỏ đã ăn sâu trong nếp nghĩ.

Nhờ tích cực tuyên truyền vận động cùng với hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, canh tác, người dân dần dần hiểu và thấy được lợi ích của việc thâm canh rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Hợp tác xã Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng bắt đầu tham gia vào trồng rừng gỗ lớn FSC từ năm 2013. Đơn vị này cũng liên kết với Công ty Scansia Pacific để có đầu ra ổn định, giá bán gỗ cao hơn thị trường từ 10 - 15 %, đồng thời sản phẩm gỗ thâm nhập vào những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, đơn vị còn giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 40 – 50 lao động với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng từ việc trồng rừng gỗ lớn FSC.

Theo đại diện Hợp tác xã Phú Hưng, hiện nay tất cả 178 ha keo đều đã được đơn vị trồng theo mô hình rừng gỗ lớn FSC. Thấy được hiệu quả từ loại rừng này, 6 hộ trồng 130 ha rừng cũng đã tham gia mô hình trồng rừng gỗ lớn FSC của hợp tác xã.

Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 245.000 ha rừng; trong đó có gần 120.000 ha rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác bình quân từ 900.000 – 1 triệu m3/năm. Đáng chú ý, từ năm 2010 tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và hợp tác với các tổ chức quốc tế để chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn FSC.

Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước được cấp chứng chỉ FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ trồng rừng. Đến tháng 8/2022, tỉnh có trên 23.400 ha rừng trồng gỗ lớn FSC, đứng đầu cả nước về loại rừng này; trong đó, chủ yếu tập trung ở các công ty lâm nghiệp như Bến Hải, Triệu Hải và Đường 9 với khoảng trên 17.000 ha, diện tích còn lại ở các hộ dân và hợp tác xã.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Quảng Trị, diện tích rừng trồng nói chung và rừng trồng gỗ lớn FSC nói riêng đã và đang cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho 48 nhà máy và 126 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, chủ yếu sản xuất ván ghép thanh, ván lạng, đồ gỗ nội thất, đồ mộc gia dụng. Các sản phẩm từ gỗ sản xuất tại Quảng Trị ngoài tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu.

* Nâng cao chất lượng cây giống

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu: xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung. Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2022 – 2025 tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn FSC trên địa bàn 5 huyện gồm: Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Vinh Linh với khoảng 5.000 ha; qua đó nâng diện tích rừng loại này lên khoảng 28.000 ha; đến năm 2030 phấn đấu đạt 30.000 ha.

Trong tổng số 23.400 ha rừng trồng gỗ lớn FSC mà Quảng Trị đang có tập trung chủ yếu ở các công ty lâm nghiệp gồm: Bến Hải, Triệu Hải và Đường 9 với khoảng trên 17.000 ha, diện tích còn lại ở các hộ dân và hợp tác xã.

Theo tính toán của đại đa số người trồng rừng, đầu tư để trồng mới mỗi ha rừng hết khoảng 15 triệu đồng. Sau 4 năm có thể thu hoạch cây gỗ rừng thông thường và bán được khoảng 60 triệu đồng/ha, trừ chi phí ban đầu thu lãi 45 triệu đồng/ha.

Tiền lãi thu được tuy thấp hơn so với trồng rừng gỗ lớn FSC, nhưng vừa giảm thiểu được rủi ro do thiên tai, cháy rừng vừa nhanh thu hồi được vốn. Đối với trồng mới rừng gỗ lớn FSC vốn đầu tư ban đầu cũng tương tự như trồng rừng thông thường.

Sau tối thiểu khoảng 8 năm rừng gỗ lớn có thể thu hoạch và bán được từ 130 – 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư trồng rừng thu lãi từ 115 – 185 triệu đồng/ha, nhưng thời gian thu hồi vốn tăng gấp 2 lần, do đó rủi ro cũng cao hơn so với trồng rừng thông thường. Đây là nguyên nhân chính làm cho các hộ dân chưa mạnh dạn đầu tư trồng rừng gỗ lớn FSC.

Năm 2010 số hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn FSC ở Quảng Trị là 118 hộ với trên 316 ha; đến năm 2018 tăng lên 536 hộ với hơn 3.147 ha. Tuy nhiên đến năm 2020 giảm xuống còn 488 hộ với gần 2.854 ha. Đến cuối năm 2021 số hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn FSC tăng trở lại với 539 hộ và 4.407 ha.

Việc tăng mạnh và sau đó lại giảm số hộ trồng rừng gỗ lớn FSC đã phản ánh sự chưa bền vững về số hộ và diện tích rừng FSC. Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Văn phòng Chứng chủ Quản lý rừng bền vững cho rằng, dù đã có nhiều diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC nhưng để duy trì và gia tăng số lượng hộ tham gia thì cần có sự hỗ trợ về vốn, tín dụng từ chính quyền địa phương, cũng như sự hỗ mạnh mẽ theo chuỗi liên kết từ các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng FSC với các doanh nghiệp, qua đó giúp giá gỗ rừng trồng FSC cao hơn so với gỗ thông thường từ 10 – 15%. Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị là một trong những doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Trị có liên kết trồng rừng gỗ lớn FSC với các hộ dân. Trong mối liên kết này Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị hỗ trợ các hộ trồng rừng bao tiêu sản phẩm, cây giống, kỹ thuật và thua mua gỗ rừng FSC có giá cao hơn 15% so với giá gỗ thông thường.

Theo đại diện Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, doanh nghiệp cần có những cam kết mạnh mẽ để đồng hành cùng người dân khi có rủi ro xảy ra, cũng như khi có những biến động về thị trường tiêu thụ. Ngược lại người trồng rừng cũng cần thiết phải nâng cao ý thức trong việc thực trồng rừng gỗ lớn, cũng như cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp để tránh tình trạng phá vỡ liên kết về thị trường và giá cây gỗ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Trị trồng mới từ 6.000 – 8.000 ha rừng. Để phục vụ cho việc trồng rừng, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn cung cấp khoảng 18 - 20 triệu cây giống/năm, chủ yếu là các giống keo lai.

Theo Tiến sĩ Vũ Đức Bình, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ, để phát triển rừng trồng gỗ lớn bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng rừng phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu cải thiện giống, chuyển giao giống vào sản xuất và tăng cường quản lý chất lượng giống, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đầu tư và hỗ trợ phát triển giống cây lâm nghiệp.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm