Quảng Trị duy trì chất lượng giáo dục thông qua việc dạy online ở các địa phương đang giãn cách xã hội

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, hiện nhiều trường học tại thành phố Đông Hà triển khai hình thức dạy học online do đang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg để đảm bảo giãn cách xã hội. Một số trường học tại các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng... cũng thực hiện hình thức dạy học này do liên tiếp phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Quang Tri duy tri chat luong giao duc thong qua viec day online o cac dia phuong dang gian cach xa hoi hinh anh 1Học sinh lớp 2 trường tiểu học Hàm Nghi (thành phố Đông Hà) tỉnh Quảng Trị học online tại nhà vào buổi tối. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Các trường học đã chủ động xây dựng kịch bản dạy học để bố trí thời khóa biểu, lịch dạy học online phù hợp với từng độ tuổi của từng cấp học nhằm không làm gián đoạn việc học của học sinh.

Qua quá trình thực hiện, các trường học đã bám sát tình hình thực tế, điều kiện của đơn vị và cá nhân người học, ưu tiên giải quyết những vấn đề trọng tâm. Các bài học tập trung những môn chính, khai thác nội dung trọng tâm, cốt lõi, phù hợp với hình thức dạy học và năng lực, điều kiện học tập của học sinh. Đặc biệt, đối với lớp 1, 2 cấp Tiểu học, các trường học ưu tiên dạy tiếng Việt, Toán và hoạt động trải nghiệm giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc viết, nghe, nói, tính toán. Độ tuổi này cần có sự phối hợp giữa gia đình, thầy cô giáo và phụ huynh nên để thuận tiện các lớp học online hầu hết được tổ chức vào buổi tối. Đối với học sinh lớp 3, 4, 5, các trường ưu tiên dạy môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, khuyến khích dạy học trực tuyến buổi thứ hai trong ngày và các môn năng khiếu.

Năm nay, con trai anh Hoàng Ngọc Phú, khu phố 9, Phường 5, thành phố Đông Hà vào lớp 1. Do dịch COVID-19, cháu không được đến trường mà phải học online ở nhà. Ban ngày, vợ chồng anh phải đi làm nên khó có thể kèm cặp cháu được. Rất may, Trường Tiểu học Hàm Nghi đã bố trí thời gian dạy online hợp lý vào buổi tối để phụ huynh có thể phối hợp với cô giáo kèm cặp con em mình. Anh Phú thấy cách bố trí thời gian như vậy là hợp lý và hiệu quả vì cháu còn nhỏ tuổi, mức độ tập trung chưa cao cần sự hỗ trợ kèm cặp của bố mẹ và thầy cô.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Trị tiếp sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế TRT phát sóng chương trình dạy học của các lớp 1, 2, 6 vào khung giờ cố định trong tuần, nhằm bổ trợ kiến thức cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Song song với việc bố trí thời gian giảng dạy và thời khóa biểu hợp lý, ngành Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát tình hình thực tế số học sinh có thiết bị học trực tuyến như: máy tính, ipad, điện thoại thông minh. Ngành kêu gọi, kết nối hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được học tập trực tiếp. Sở đã phối hợp với Công ty Mobi Quảng Trị hỗ trợ 2.000 sim miễn phí học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học trực tuyến ở các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông, thành phố Đông Hà. Tỉnh Đoàn Quảng Trị đang phối hợp tổ chức chương trình Đồng hành cùng em học.

Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, việc học online là phương pháp học tối ưu nhất đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Qua quá trình triển khai, chất lượng giáo dục cơ bản đáp ứng được, trong đó đối với cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông việc thực hiện tương đối thuận lợi, cấp Tiểu học còn gặp nhiều khó khăn nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, 2. Tuy nhiên, nhìn chung các đơn vị đều triển khai tốt, nỗ lực khắc phục khó khăn bằng nhiều giải pháp.

Để nâng cao chất lượng dạy và học online trong thời gian tới, Sở đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường học cố gắng chuyển trạng thái một cách linh hoạt, chủ động nhất để thích ứng kịp thời với tình hình hiện tại. Những địa phương không còn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 chuyển ngay sang dạy học trực tiếp ưu tiên dạy bổ sung bù đắp những kiến thức thiếu hụt cho học sinh để đảm bảo các em được đào tạo chuẩn kiến thức và kĩ năng. Mặt khác, Sở đang khảo sát, xúc tiến thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Thanh Thủy

Tin liên quan

Trao hàng nghìn học cụ và học bổng tiếp bước học sinh, sinh viên khó khăn đến trường

Nhằm hỗ trợ kịp thời việc học tập cho các em học sinh, sinh viên nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa, con em lực lượng chống dịch tuyến đầu, ngày 5/10, Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long phát động Chương trình "Trao học cụ - Tiếp tri thức" năm 2021 để đảm bảo cho các em có đầy đủ dụng cụ phục vụ việc học tập theo đúng với phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học".


Chương trình “Sóng và máy tính cho em” - Chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo Đắk Lắk

Năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt, chưa có tiền lệ của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk khi phải khai giảng trực tuyến, dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục và đào tạo đang tích cực triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo, giúp tất cả học sinh đủ điều kiện học trực tuyến.


Thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo vùng biên ở Lạng Sơn

Chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn triển khai hiệu quả, ý nghĩa thiết thực. Không chỉ phát động sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, Biên phòng tỉnh Lạng Sơn còn tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhà hảo tâm cùng chung tay thực hiện để lan tỏa giá trị nhân văn, góp phần hỗ trợ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới.


Ra mắt Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục Tiểu học

Sáng 15/9, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục Tiểu học. Đây là hệ thống hỗ trợ công tác dạy – học trực tuyến và trực tiếp cho giáo viên, phụ huynh và học sinh Tiểu học với sự hỗ trợ nền tảng công nghệ thông tin do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cung cấp, Đại học Quốc gia Hà Nội chịu trách nhiệm xây dựng nội dung chuyên môn.



Đề xuất