Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Điển hình như mô hình trồng rau thủy canh, trồng hoa lan chất lượng cao, phát triển các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất đã mở ra hướng phát triển mới, hiệu quả cho nông nghiệp của tỉnh.

So với phương pháp truyền thống thì trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm nhất hiện nay như thời gian chăm sóc ít, không tốn quá nhiều diện tích, lại cho sản phẩm rau sạch… Thủy canh thường được định nghĩa là trồng cây trong nước, việc trồng cây không cần đất đem lại nhiều lợi nhuận, cây trồng luôn được trồng trong môi trường sạch khuẩn, không sâu bệnh, thuốc hóa học trừ sâu hay các loài côn trùng phá hoại.

Thấy được những ưu điểm đó cùng sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cơ sở sản xuất rau thủy canh Đông Triều (cơ sở sản xuất rau thủy canh 188 tại thị xã Đông Triều) ra đời. Mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả sau một thời gian ngắn đưa vào thực hiện. Điểm nhấn của mô hình này chính là công nghệ và hạt giống được nhập khẩu. Đây cũng là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình sản xuất thủy canh tại tỉnh Quảng Ninh.

Từ tháng 10/2016 tới nay, mô hình thủy canh hồi lưu được cơ sở trồng trên diện tích 5.000m2. Toàn bộ hệ thống gồm khu vực nhà ươm, nhà lưới, nhà sơ chế với hệ thống nhà màng, lưới che tự động, quạt gió, máy điều chỉnh nhiệt độ, máng thủy canh, hệ thống lọc nước, ống bơm và dẫn nước dinh dưỡng.

Bà Bùi Thị Thể, Giám đốc cơ sở sản xuất rau thủy canh 188 chia sẻ, yếu tố quan trọng trong sản xuất thủy canh là nguồn nước và công thức pha chế hỗn hợp dinh dưỡng, để có nước sạch sản xuất, cơ sở phải khai thác nguồn nước ngầm ở độ sâu 100-120m, sau đó lọc qua hệ thống rồi mới tới khu vực bơm tổng. Tại đây, nước được được hòa trộn dinh dưỡng theo công thức riêng, phù hợp rồi dẫn tới các máng trồng.

Bà Thể thông tin thêm, cơ sở đang áp dụng mô hình thủy canh hồi lưu. Theo đó, nguồn nước chứa chất dinh dưỡng được bơm vào các đầu máng trồng và luân chuyển trong máng cho tới cuối. Tại đây, nước được thu hồi, đưa trở lại bơm tổng để tiếp tục lọc và quay lại chu trình. Để hệ thống vận hành ổn định, kỹ sư và công nhân phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước với tần suất 2-3 lần mỗi ngày về độ pH và chất lượng.

Ngoài nước, cơ sở sản xuất rau thủy canh Đông Triều còn sử dụng chế phẩm từ xơ dừa để làm giá thể ươm cây giống, nguồn xơ dừa được nhập từ miền Nam, sau khi xử lý sạch khuẩn và mầm bệnh mới được đưa vào ươm cây non. Công dụng của giá thể là giúp cây non phát triển bộ rễ thời gian ban đầu.

Ưu điểm của sản xuất thủy canh so với thổ canh truyền thống là rau không tiếp xúc trực tiếp với đất mà được trồng trên các giá, cách mặt đất 01 mét, nên cách ly với các loại sâu hại từ đất. Ngoài ra, nhờ trồng trong nhà màng, rau không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân sâu bệnh và ô nhiễm bên ngoài.

Chính vì áp dụng khoa học công nghệ cao nên cả cơ sở sản xuất rau chỉ cần 16 công nhân cho diện tích hơn 5.000 mét vuông và cung cấp khoảng 4,5 tấn rau tươi mỗi tháng cho thị trường Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền (quản lý công nhân) tâm sự, hiện nay, cơ sở canh tác 10 loại rau ăn lá phổ biến như rau cải, rau dền, rau muống, xà lách… Rau cải, rau muống, rau dền, rau mồng tơi có thời gian sinh trưởng 25-30 ngày tính từ lúc gieo hạt, trong khi đó, rau xà lách là 40-45 ngày. Do các chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước theo tỷ lệ phù hợp vừa đủ nên sản phẩm cuối cùng không còn tồn dư hóa chất hay phải cách ly đủ ngày như cây trồng thổ canh….

Trong khi đó tại huyện Hoành Bồ, dự án ứng dụng công nghệ để phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư triển khai trên từ năm 2012.

Trang trại sản xuất hoa lan chất lượng cao tại thôn Đồng Ho, xã Sơn Dương là một trong những cơ sở được sự tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật của phòng nông nghiệp huyện Hoành Bồ đã áp dụng công nghệ trong trồng hoa. Trang trại chủ yếu trồng các loại lan, trong đó chiếm phần lớn diện tích là lan hồ điệp. Đây là loài hoa cao cấp, đẹp, bền, có giá trị kinh tế cao và đặc biệt được ưa chuộng vào dịp Tết Nguyên đán.

Bà Lưu Thị Thùy Giang (Kỹ thuật viên phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ) chia sẻ, trang trại sản xuất hoa lan chất lượng cao Đồng Ho được đầu tư quy mô lớn theo tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng bộ từ hệ thống nhà lưới màng kín, hệ thống quạt gió, máy tăng giảm nhiệt độ cho đến các thiết bị điện, lọc nước tưới. Một trong những điểm nổi bật của nhà lưới hiện đại này là điều chỉnh được ánh sáng, nhiệt độ luôn được duy trì ở mức từ 18 đến 240C.

Những năm trước đây, hoa lan phải mua giống từ nước ngoài về sản xuất, vì thế cơ sở luôn gặp khó khăn do nhu cầu về nguồn giống hoa lan ngày càng cao, trong khi việc áp dụng các phương pháp nhân giống truyền thống (tách chiết) với hệ số nhân thấp hoàn toàn khó đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Đến nay việc ứng dụng quy trình công nghệ nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô, với hệ số nhân tăng gấp nhiều lần, để tăng sản lượng cây giống đã được áp dụng cho hiệu quả cao.

Từ năm 2014, huyện Hoành Bồ đã vận động được doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà nuôi cấy mô, chủ động nguồn giống và cung cấp cho thị trường địa phương cùng một số tỉnh lân cận. Trang trại hoa tại thôn Đồng Ho đã áp dụng thành công phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô được thực hiện trong những phòng thí nghiệm đạt chuẩn.

Thay vì nhập giống những loại hoa có giá trị thương phẩm cao như lan hồ điệp, địa lan như trước thì đến nay, trang trại đã tự chủ được nguồn cây giống và tiến tới là nơi cung cấp giống hoa lan cho cả vùng. Trung bình để cho ra một cây lan hồ điệp phải mất thời gian từ 18-20 tháng, tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ mới thì thời gian giảm xuống chỉ còn 12 tháng.

Trước đây, các loại hoa cao cấp như lan hồ điệp, địa lan… hầu hết nhập từ Thái Lan, Trung Quốc với số lượng lên đến hơn 90%, thì nay các trang trại hoa tại Hoành Bồ đã dần lấy lại thị phần này. Để có được kết quả này, sự gắn kết của chính quyền huyện Hoành Bồ và các cơ sở nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng

Ông Bùi Xuân Hưng, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất như mô hình ao nuôi tôm theo công thức 2 giai đoạn kết hợp công nghệ sinh học Semi Biofloc tại Móng Cái, Đầm Hà.Quảng Ninh có quỹ đất nông nghiệp không lớn, điều kiện thời tiết ngày càng phức tạp, khiến năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp và thiếu ổn định. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ, chủ động được nguồn giống cho phép các cơ sở nông nghiệp tạo ra những sản phẩm có giá trị, giảm dần ngoại nhập, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần tạo ra bước đột phá mới, khẳng định và nâng tầm chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Trung Nguyên 

Có thể bạn quan tâm