Quảng Ninh kiên định với mục tiêu "tăng trưởng xanh"

Quảng Ninh kiên định với mục tiêu "tăng trưởng xanh"
Kiên định mục tiêu "tăng trưởng xanh"

Quảng Ninh đóng vai trò là cửa ngõ giao thương quan trọng với khu vực ASEAN, Trung Quốc. Lợi thế về cảng biển, biên giới, du lịch, mỏ than đá có trữ lượng chiếm hơn 90% cả nước… đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,7 lần so với toàn quốc; thu ngân sách đứng trong “Top” 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước.
 
Vịnh Hạ Long đẹp như một bức tranh. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Vịnh Hạ Long đẹp như một bức tranh. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Tuy nhiên, chính những thuận lợi về tự nhiên đó lại mâu thuẫn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng phát triển kinh tế "xanh", vì tỉnh chủ yếu dựa vào tài nguyên hữu hạn; mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch. Thêm vào đó, thách thức giữa phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, vấn đề môi trường sống; thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu...

Kiên định với mục tiêu đặt ra, Quảng Ninh đã sớm triển khai đồng bộ có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo nền tảng quan trọng để đạt "tăng trưởng xanh". Đó là ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đột phá đầu tiên chính là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút mọi nguồn lực, trong đó tập trung vào nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư các công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, như kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, các dự án hạ tầng của các khu kinh tế, khu công nghiệp…

Đột phá thứ hai chính là cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.

Đột phá thứ ba chính là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2017 tỉnh đã dành 11,2 tỷ đồng để mở các lớp bồi dưỡng đào tạo cán bộ, công chức nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ thực thi công vụ; chỉ đạo xây dựng Đề án thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020…

 "Tăng trưởng xanh" chính là phát triển sản phẩm du lịch bền vững

Không chỉ có Vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, khu di tích danh thắng Yên Tử nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu khách đến tham quan mà Quảng Ninh còn có hơn 600 di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh khác. Tận dụng tốt lợi thế tự nhiên đã giúp “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh ngày một phát triển vững chắc.

Du lịch biển đảo là một trong những thế mạnh lớn nhất của du lịch Quảng Ninh, với dải bờ biển dài hơn 250km, nối liền Vịnh Hạ Long với Vịnh Bái Tử Long, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, đảo Cô Tô, Trà Cổ, Vĩnh Thực... Ngoài ra các khu du lịch biển khác như: Vân Đồn, Cô Tô, các đảo trên Vịnh Bái Tử Long... cũng đang trở thành những điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách. Trong vài năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến các điểm mới như Cô Tô, Quan Lạn, Cái Chiên tăng mạnh.

Nhằm bảo tồn và phát huy tốt giá trị tự nhiên, nâng cao nhận thức về “tăng trưởng xanh” khu vực Vịnh Hạ Long, ngay từ năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Dự án Thúc đẩy "tăng trưởng xanh" tại khu vực Vịnh Hạ Long (do JICA tài trợ). Giai đoạn 1 dự án thực hiện từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016, với nhiệm vụ chủ yếu là lập kế hoạch chi tiết của dự án để xác định các vấn đề ưu tiên cần được giải quyết. Giai đoạn 2 (giai đoạn thực hiện, trình diễn tăng trưởng xanh) của dự án thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 11/2016 với 5 hoạt động chính, gồm: Tăng cường cơ chế cấp ngân sách và cơ chế tài chính cấp tỉnh cho quản lý môi trường và "tăng trưởng xanh"; thúc đẩy cơ chế ưu đãi hỗ trợ quản lý và tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy du lịch bền vững tại khu vực Vịnh Hạ Long; tăng cường năng lực quản lý môi trường thông qua kiểm soát tải lượng ô nhiễm trực tiếp xuống Vịnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý dự án đã phối hợp với chuyên gia JICA, các tổ công tác tổ chức trên 50 cuộc họp, làm việc với các sở, ngành, địa phương; tổ chức trên 20 cuộc khảo sát và làm việc tại các địa phương tham gia dự án.

Ngày 5/9 vừa qua, tại thành phố Hạ Long, Ban Quản lý dự án Thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long tổ chức Hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức Sách trắng về tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long 2017. Sách do các chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và UBND tỉnh Quảng Ninh biên soạn nhằm chuyển tải các thông điệp, kinh nghiệm, sáng kiến và những hoạt động hướng tới "tăng trưởng xanh" khu vực Vịnh Hạ Long cho đông đảo các đối tượng như: Khách du lịch, doanh nghiệp và người dân địa phương, cán bộ làm công tác quản lý các cấp.

Cùng với du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tâm linh cũng là một trong những thế mạnh của du lịch Quảng Ninh. Hiện nay Quảng Ninh đang sở hữu hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa các loại. Trong đó, có những di tích - danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt có giá trị khai thác phục vụ phát triển du lịch như: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, di tích lịch sử Bạch Đằng và khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều. Trong đó, khu di tích Yên Tử là một trong những điểm nhấn của du lịch văn hóa tâm linh.

Với quyết tâm đưa du lịch Quảng Ninh phát triển lên một tầm cao mới, định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ninh là cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, toàn tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện. Cùng với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quảng Ninh đã và đang khai thác, phát huy tối đa lợi thế về du lịch để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế của cả nước.

Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương.. Từ mô hình du lịch cộng đồng làng quê Yên Đức của Tổng Công ty du lịch Sen Á Đông, đến nay, loại hình du  lịch này được phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Cô Tô; Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn); Vĩnh Thực (Móng Cái); Bình Liêu... Du lịch cộng đồng bước đầu đã đem lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian du lịch, thu hút sự khám phá, trải nghiệm của du khách, mở ra nhiều cơ hội mới thu hút nhân dân tham gia cùng nhà nước và doanh nghiệp phát triển du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, mang lại thu nhập cho người dân.

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2020 đón 15-16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế; thời gian lưu trú trung bình đạt từ 3 ngày trở lên, tổng doanh thu đạt 40.000 tỷ đồng; đóng góp tối thiểu 15% GRDP và 10-15% số thu ngân sách nội địa; giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động.
Trung Nguyên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm