Quảng Ngãi: Trồng diếp cá trên đất lúa kém hiệu quả cho thu nhập cao

Quảng Ngãi: Trồng diếp cá trên đất lúa kém hiệu quả cho thu nhập cao
Cánh đồng thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) từ lâu trở thành nơi cung cấp rau diếp cá cho nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh. Nguồn ảnh: baoquangngai.vn
Cánh đồng thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) từ lâu trở thành nơi cung cấp rau diếp cá cho nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh. Nguồn ảnh: baoquangngai.vn

Từ năm 2004 đến nay, khi nhận thấy cây diếp cá thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng ở những vùng trũng thấp, chân ruộng sình lầy, nhiều hộ đã không ngần ngại chọn đây là cây trồng đổi đời.

Cây diếp cá đã không phụ công người khi cho sản lượng cao với tần suất thu hoạch liên tục theo kiểu “giáp vòng”. Nhờ đó, từ chỗ chỉ trồng rải rác, diện tích không đáng kể, đến nay diện tích cây diếp cá ở xã Tịnh Châu đã tăng lên tới hơn 20 ha, trong đó, hộ ít nhất khoảng 400-500m2, hộ nhiều nhất hơn 1.000m2.

Bà Đặng Thị Trữ, người trồng diếp cá cho hay, diếp cá tốn ít công chăm sóc, mọc rất nhanh nên thu hoạch quanh năm. Tuổi đời của diếp cá có thể kéo dài tới 10 năm (sau khoảng thời gian này mới trồng lại) nên xét về hiệu quả kinh tế,  cây diếp cá “ăn đứt” cây ngô, cây lúa.

Để chúng tôi tin hơn, ông Nguyễn Xuân dẫn chứng, cứ 1 sào (500m2) mỗi năm cho khoảng hơn 1,2 tấn rau diếp cá, với giá bán bình quân từ 7.000-10.000 đồng/kg, người trồng có thể thu về từ 8,4-12 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể những lúc cao điểm, khan hiếm nguồn cung, giá rau có thể lên hơn 20.000 đồng/kg. Hiện tại, người trồng diếp cá ở Tịnh Châu đã cung cấp rộng khắp sản phẩm này đến thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu cho biết, xã đang thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký nhãn hiệu cho cây diếp cá để trở thành cây trồng chủ lực thuộc Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Đồng thời, chọn thôn Kim Lộc để quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn (3,5 ha) và sẽ mở rộng ra các thôn còn lại trong những năm tiếp theo.

“Năm 2018, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đã phân bổ nguồn vốn 300 triệu đồng hỗ trợ cho gần 50 hộ trong thôn đầu tư vật tư (trụ, lưới), phân bón, tập huấn chuyển giao phương thức sản xuất. Xã cũng tuyên truyền, vận động người dân hướng tới việc chuyên canh rau an toàn, đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học… để tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng và xa hơn nữa là tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường", ông Lâm nói.
Vĩnh Trọng

Có thể bạn quan tâm