Quảng Ngãi thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Quảng Ngãi thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Để người dân tộc thiểu số có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Quảng Ngãi đã dành nhiều nguồn lực và triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng dân tộc, miền núi...

Quảng Ngãi thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi đã được xây dựng khang trang. Ảnh: Phước Ngọc

Các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 135, gia đình ông Đinh Văn Tính, xã Thanh An, huyện Minh Long đã mua một con trâu cái. Nhờ chăm sóc tốt, trâu khỏe mạnh, năm 2018 đã bắt đầu sinh sản. Từ năm 2019, mỗi năm, ông Tính có một con trâu thịt để bán. Thấy được nguồn lợi, ông tiếp tục góp vốn mua thêm trâu sinh sản. Nhờ đó, đến nay, ông đã có đàn trâu 6 con, trong đó có 3 con trâu cái.

Theo ông Tính, cuối năm nay, gia đình ông sẽ xuất bán 3 con trâu thịt. Với giá như hiện nay, ông sẽ thu về khoảng 70 triệu đồng. “Cũng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình tôi mới có vốn để mua trâu chăn nuôi. Khi bán được trâu thịt. ngoài việc trả nợ, tôi còn có tiền để mua thêm gà, lợn giống về nuôi, mua keo về trồng. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững”, ông Tính chia sẻ.

Để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số, huyện Minh Long đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình của Đảng, Nhà Nước để hỗ trợ sản xuất cho người dân; hỗ trợ nhưng yêu cầu đối ứng. Giai đoạn 2015-2020, số tiền đối ứng của người dân trong thực hiện các chính sách hỗ trợ là hơn 2,7 tỷ đồng. Cách làm này đã khắc phục tư tưởng trông chờ, ỉ lại của người dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long, cho biết: mỗi khi triển khai các chính sách, huyện đều phân công cán bộ địa phương giám sát để hướng dẫn cụ thể và khắc phục những hạn chế giúp bà con. Nhờ đó, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đều thành công. Tỷ lệ hộ nghèo huyện Minh Long đến cuối năm 2020 chỉ còn hơn 10%. Huyện là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135, Ban Dân tộc tỉnh đã phân bổ cho các huyện miền núi gần 16,5 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa kinh tế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Các địa phương đã xây dựng được 54 dự án phát triển sản xuất và 11 mô hình hỗ trợ cây, con giống các loại, tạo điều kiện cho người dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, các huyện miền núi còn huy động nguồn lực xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học, nhà văn hóa... Năm 2020, riêng từ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135 đã có 240 công trình được đầu tư xây dựng, với tổng số vốn hơn 377 tỷ đồng.

Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho hay, ngoài các đề án phát triển kinh tế hộ cho người dân tộc thiểu số và vùng miền núi, huyện Ba Tơ còn tập trung vào các đề án phát triển hạ tầng giao thông, nhằm tạo liên kết giữa các vùng để thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thúc đẩy sản xuất.

Trong những năm qua, tỉnh tiếp tục được thực hiện có hiệu quả chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho người dân tộc thiểu số và các huyện miền núi, chính sách đối với người có uy tín, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ chính sách bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong người dân tộc thiểu số.

Qua nhiều năm thực hiện, chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số được đánh giá là chính sách hợp lòng dân, từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp thúc đẩy kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi. Nếu như đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khu vực miền núi trên địa bàn còn 36,8%, đến cuối năm 2020 giảm còn 25,6%.

Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, trong thời gian tới, cùng với tập trung thực hiện đề án Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các huyện miền núi Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc đang còn hiệu lực thi hành, trong đó việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Có thể thấy, việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã làm thay đổi đời sống người dân tộc thiểu số, giúp họ đẩy mạnh sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, các chương trình, chính sách này góp phần không nhỏ củng cố khối đoàn kết dân tộc, nhân lên niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng núi, biên giới của Tổ quốc./.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm