Quảng Ngãi: Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững cho các huyện miền núi

Quảng Ngãi: Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững cho các huyện miền núi
Công ty Cổ phần Du lịch Khánh Gia phối hợp với Công ty TNHH Thể thao và Du lịch Tuấn Minh, Công ty Vũ Phong đồng tài trợ chương trình lắp đặt điện mặt trời miễn phí cho 20 hộ dân thôn Bùi Hui, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN
Công ty Cổ phần Du lịch Khánh Gia phối hợp với Công ty TNHH Thể thao và Du lịch Tuấn Minh, Công ty Vũ Phong đồng tài trợ chương trình lắp đặt điện mặt trời miễn phí cho 20 hộ dân thôn Bùi Hui, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2016 trên địa bàn các huyện còn 27.937 hộ nghèo, đến cuối năm 2018 đã giảm xuống còn 19.633 hộ, bình quân giảm 5,1%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra. Kinh phí giảm nghèo được bố trí trong giai đoạn 2009 - 2018 là trên 2.314 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 2.295 tỷ đồng, ngân sách địa phương là gần 19 tỷ đồng để thực hiện các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a cho 6 huyện nghèo trên địa bàn. Từ nguồn vốn này, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đầu tư 389 công trình hạ tầng và duy tu bảo dưỡng 472 công trình như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông, nước sinh hoạt, công trình điện, công trình văn hóa, công trình thủy lợi... Ngoài ra, Chương trình 135 đã đầu tư 873 công trình và duy tu bảo dưỡng 251 công trình.

Bên cạnh đó, để phát triển các huyện vùng cao, tỉnh sử dụng 622 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập như: Khoán khoanh nuôi tái sinh rừng; hỗ trợ lần đầu giống cây trồng rừng sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại, giao rừng, cho thuê rừng, bảng trực quan bảo vệ rừng; hỗ trợ khai hoang tạo mương cố định, ruộng bậc thang; hỗ trợ tiền mua giống, vật tư, chuồng trại, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tiêm phòng vắc xin. Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ lao động tham gia xuất khẩu lao động; có chính sách tăng cường, thu hút cán bộ, trí thức trẻ đối với các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (đã thực hiện từ 2016 đến 2018); giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng...

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn được sự hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với tổng nguồn vốn khoảng 144 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đầu tư xây dựng các công trình về y tế và giáo dục. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện nghèo còn huy động từ ngân sách địa phương, nguồn vốn khác để thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo khác như: Cho vay tín dụng ưu đãi; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, các chính sách dân tộc khác....

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ các nguồn vốn hỗ trợ này, tỉnh đã phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng một phần nhu cầu cấp thiết của nhân dân, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Chương trình 30a đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi đã từng bước thúc đẩy giao thương hàng hóa từ miền xuôi đến tận thôn, bản vùng cao. Các công trình thủy lợi từng bước khắc phục thiếu nước cục bộ, hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn, góp phần ổn định an ninh lương thực. Người dân huyện nghèo được tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu. Điện sinh hoạt đã được cung cấp đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng lõm. Các trường học đã được kiên cố phục vụ tốt cho việc giảng dạy và học tập. Cơ sở hạ tầng các huyện nghèo được đầu tư đồng bộ để đạt tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm và thông suốt 4 mùa đạt 100%. Nhờ có sự đầu tư đúng mục tiêu, đúng đối tượng, có hiệu quả, người dân các huyện nghèo ở Quảng Ngãi đã được thụ hưởng thành quả từ những công trình của chương trình giảm nghèo, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn dân.

Bên cạnh đó, các hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất như: Giống, cây trồng, vật nuôi, phân bón; chuồng trại; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; kiến thức sản xuất được nâng lên rõ rệt... giúp người dân dần thay đổi thói quen về canh tác, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Việc giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho một bộ phận hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống; xây dựng nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển. Chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ về xã và đảm nhận vị trí lãnh đạo chủ chốt đã phát huy hiệu quả, giúp xã tổ chức triển khai, thực hiện ngày càng tốt hơn các chương trình mục tiêu, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, Đề án tuyển chọn 600 trí thức trẻ về công tác ở huyện nghèo đã góp phần ổn định công tác cán bộ ở các xã nghèo, nâng cao năng lực làm việc của cán bộ ở chính quyền cơ sở.
Sỹ Thắng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm