Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai
Kiểm tra tại đê Phổ Minh (Quảng Ngãi), nơi vừa bị nước lũ cuốn đi 40 mét đất. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
 Kiểm tra tại đê Phổ Minh (Quảng Ngãi), nơi vừa bị nước lũ cuốn đi 40 mét đất. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
Đoàn đã đi kiểm tra tại tuyến đê Phổ Minh. Hiện, tuyến đê đã bị lũ cuốn trôi khoảng 400 mét.  Trong khi đó, tuyến đê lại có tác dụng ngăn mặn giữ ngọt, vì thế nếu không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng đến 200 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp phía trong lòng đê. Ngoài ra, bờ đê sông Trà Câu, đoạn qua thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn cũng bị nước lũ làm sạt lở, "ăn" sát vào đường bê tông liên thôn, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà dân sống quanh vùng. Nặng hơn là điểm sạt lở bờ taluy dài 25 mét tại tuyến đường Trà Câu- Phổ Phong (đoạn km7) với ngổn ngang đất, đá, bê tông bị lũ cuốn văng. Sau khi đi thực tế, đoàn công tác đã làm việc với Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi để nắm thông tin tổng hợp về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên toàn tỉnh. Ông Võ Quốc Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, đợt mưa, lũ từ ngày 9-11/12 đã gây thiệt hại lớn tại Quảng Ngãi, nhất là các thiệt hại về công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng.
Đoàn kiểm tra điểm sạt lở bờ taluy tại tuyến Trà Câu - Phổ Phong (Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
Đoàn kiểm tra điểm sạt lở bờ taluy tại tuyến Trà Câu - Phổ Phong (Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
Ông Võ Quốc Hùng đề nghị Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai quan tâm, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Quảng Ngãi nguồn kinh phí 200 tỷ đồng để khắc phục kịp thời các tuyến đường giao thông, cầu cống bị sạt lở, hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân; khắc phục các tuyến kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; sửa chữa các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng; khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng khác như giáo dục, văn hóa… Về lâu dài, cần đầu tư các công trình chống sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông; tu bổ, nâng cấp đê điều thường xuyên hằng năm, chủ động sửa chữa kiên cố những tuyến đê xung yếu, xuống cấp; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển có mức độ sạt lở nguy hiểm gần kề các khu dân cư; khôi phục thông số các hồ chứa nước; xây dựng quy trình vận hành điều tiết các hồ chứa nước, lắp đặt hệ thống thông tin cảnh báo sớm, hệ thống quan trắc công trình thủy lợi, đê điều; ưu tiên đầu tư trang thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp và củng cố lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp; xây dựng các cụm tuyến dân cư an toàn với bão, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi và công trình phòng tránh thiên tai cộng đồng… Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Thiên tai khu vực miền Trung- Tây Nguyên Lê Văn Khoa mong muốn, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục bổ sung số liệu thiệt hại từ các địa phương khác để có số liệu cuối cùng cung cấp cho Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; qua đó, có cơ sở trình lên cấp có thẩm quyền xem xét.
Vĩnh Trọng

Có thể bạn quan tâm