Quảng Ngãi cấp bách phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm

Quảng Ngãi cấp bách phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm

Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đã và đang xảy ra và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Công văn số 2086/UBND-KTN chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt là bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng… bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; lưu ý các đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ cao, đã được tiêm vaccine nhưng sắp hết thời gian miễn dịch.

Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực có dịch bệnh đã từng xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan diện rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao...

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường thanh tra, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật tại các cơ sở nhập con giống, chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, buôn bán thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định, nhất là vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập tỉnh không rõ nguồn gốc, nhiễm bệnh.

Sở Y tế có trách nhiệm tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm vi rút cúm gia cầm chủng độc lực cao như A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng khác trên người; kịp thời xử lý các ổ dịch xảy ra trên người, không để lây lan diện rộng; đảm bảo đủ cơ sở trang thiết bị y tế, thuốc men và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh…

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, bệnh viêm da nổi cục đã và đang xảy ra tại 834 cơ sở chăn nuôi của 197 thôn thuộc 62/173 xã, phường, thị trấn của 7/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi với tổng số 913 con bê mắc bệnh; làm chết 193 con bê. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 19 cơ sở chăn nuôi tại 14 thôn, 12/173 xã, phường, thị trấn của 6/13 huyện, thị xã với tổng số chết và tiêu hủy là 337 con. Bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 3 hộ dân tại thành phố Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng với tổng số vịt bắt buộc tiêu hủy là 4.625 con.

Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Chi cục đã cử cán bộ trực tiếp phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã có dịch khoanh vùng ổ dịch, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi và môi trường, cách ly điều trị gia súc, gia cầm bệnh, hướng dẫn địa phương tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh, điều tra ổ dịch, tiêm phòng bao vây, quản lý, giám sát chặt chẽ việc giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trong địa bàn huyện, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng trị, chăm sóc gia súc, gia cầm bị bệnh nhằm tăng cường cung cấp thức ăn bổ sung để nâng cao sức chống đỡ bệnh tật.

Ngoài ra, Chi cục cũng đã tạm ứng 15.000 liều vaccine lở mồm long móng type O và 276.000 liều vaccine cúm gia cầm cho các huyện để triển khai tiêm phòng đợt 1/2022; cấp 10.000 lít hóa chất Benkocid và 10 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% từ nguồn dự trữ Quốc gia hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố để triển khai Thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1/2022 trên địa bàn tỉnh. Các huyện đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động người dân mua 36.390 liều vaccine viêm da nổi cục để tiêm phòng cho gia súc.

Lê Phước Vĩnh Trọng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm