Quảng Nam: Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - cầu nối giúp nông dân phát triển kinh tế

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam. Nguồn: hoinongdanqnam.org.vn
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam. Nguồn: hoinongdanqnam.org.vn

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam có vai trò chủ yếu là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp; liên kết tư vấn tuyển sinh, đào tạo xuất khẩu lao động và du học nước ngoài…

Quảng Nam: Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - cầu nối giúp nông dân phát triển kinh tế ảnh 1Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam. Nguồn: hoinongdanqnam.org.vn

Được Trung ương Hội Nông dân và tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy nghề và hỗ trợ nông dân, hằng năm Trung tâm mở từ 80 - 90 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 2.800 - 3.100 học viên tham gia, chiếm 50% số lượng lao động nông thôn và các lớp dạy nghề được tổ chức tại cơ sở. Giáo viên đứng lớp nhiệt tình truyền dạy các kiến thức, tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho học viên và hướng dẫn thực hành chi tiết, giúp giải quyết các vướng mắc, khó khăn của học viên trong quá trình sản xuất, chăn nuôi... Hơn 85% học viên qua đào tạo nghề đã có việc làm hoặc tự tổ chức việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện Tiên Phước là địa phương luôn chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với phát triển kinh tế vườn – trang trại. Từ đó, giúp người dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và giảm nghèo bền vững.

Ông Mai Minh Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước cho biết, những năm qua huyện đã chi hơn 1,4 tỷ đồng phối hợp tổ chức gần 100 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 2.000 lao động nông thôn. Nội dung đào tạo chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật trồng tiêu, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng và nhân giống các loại cây ăn quả, trồng đậu phụng, sản xuất nấm, chế biến sản phẩm OCOP...

Theo ông Nguyệt, hầu hết học viên sau khi hoàn thành các khóa học đã biết vận dụng kiến thức vào sản xuất; tận dụng hết thời gian để chăn nuôi, làm vườn, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, kiến thức từ việc đào tạo nghề thực sự góp phần cải tiến tập quán canh tác, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cây trồng và con vật nuôi. Nhiều sản phẩm kinh tế vườn có lợi thế của huyện đã được liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị và đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP.

Theo ông Bùi Quốc Yên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, bên cạnh công tác dạy nghề, Trung tâm còn tổ chức dịch vụ cho hỗ trợ nông dân như cung cấp phân bón theo hình thức trả chậm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo, khó khăn về vốn, cung ứng cây giống có chất lượng, cung ứng máy công cụ… được hội viên nông dân tự nguyện tham gia và đánh giá cao. Các hoạt động của Trung tâm được triển khai trên phương châm “đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất”, “chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ” trước tổ chức Hội và hội viên. Trung tâm luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu trong quá trình cung ứng các dịch vụ hỗ trợ, được các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức cơ sở Hội và hội viên đánh giá cao, được đông đảo hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, đồng tình và tin tưởng tham gia. Việc làm này ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân là cánh tay nối dài của tổ chức Hội Nông dân tỉnh, thể hiện rõ chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Quảng Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ cho nông dân; cung cấp kịp thời kiến thức khoa học kỹ thuật, khuyến khích, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp, hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trần Tĩnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm