Quảng Nam: Thiếu đất sản xuất - vấn đề nổi cộm của “hậu tái định cư”

Quảng Nam: Thiếu đất sản xuất - vấn đề nổi cộm của “hậu tái định cư”
Nhà tái định cư thủy điện bị bỏ hoang ở thôn 3A, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Nhà tái định cư thủy điện bị bỏ hoang ở thôn 3A, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Thôn 1, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân tái định cư người đồng bào Ca Dong bị ảnh hưởng bởi Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Phần lớn những người trong thôn hiện nay là người già, trẻ nhỏ, bởi thanh niên đến độ tuổi lao động đều đi làm ăn ở xa do thiếu đất sản xuất. Với 9 nhân khẩu, khi chuyển về khu tái định cư mới, gia đình ông Nguyễn Văn Su được cấp 1,7 héc-ta đất sản xuất ngay phía trước nhà. Những năm gần đây, phong trào trồng cây keo phát triển nên ông Su cũng chuyển toàn bộ diện tích đất sản xuất được cấp sang trồng keo. Không còn đất để trồng cây lương thực, trong khi cây keo 5 năm mới cho thu hoạch nên các thành viên trong gia đình ông Su phải đi làm thuê khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Su cho biết, bà con khi về khu tái định cư chỉ được cấp đất đồi, trung bình mỗi hộ từ 1,2 - 1,7 héc-ta. Do đất đồi có độ dốc lớn nên chỉ trồng được cây lúa rẫy, cây ngô cho năng suất không ổn định. Hiện nay, hầu hết người dân trong thôn chuyển sang trồng cây keo nhưng thu nhập cũng thấp. Sau 5 năm chăm sóc, 1 héc-ta keo cho thu về 30 triệu đồng. Muốn trồng keo có lãi đòi hỏi phải có diện tích đất đồi lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng thôn 1, xã Trà Dơn cho biết: Năm 2008, khi bà con chuyển về khu tái định cư để nhường đất xây dựng nhà máy thủy điện chỉ có 16 hộ, con số này hiện tăng lên thành 24 hộ do con cái của các hộ trong thôn đến tuổi trưởng thành lập gia đình, tách ra thành những hộ mới. Trong khi đó, diện tích đất ở, đặc biệt là đất sản xuất không thay đổi, dẫn tới việc thiếu đất sản xuất ngày càng nghiêm trọng.

Đối với người dân miền núi, đất canh tác là nguồn sinh kế chủ yếu, việc thiếu đất sản xuất sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định đời sống của người dân vùng tái định cư. Chủ tịch UBND xã Trà Dơn Lê Minh Thắng cho biết: Thiếu đất sản xuất cho người dân tái định cư đang là vấn đề lo lắng của chính quyền xã. Việc này có thể dẫn tới nguy cơ người dân tác động vào diện tích rừng tự nhiên, phá rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, vấn đề này cũng một phần do người dân trước đây không sử dụng hợp lý nguồn tiền được đền bù để mua thêm nương rẫy của các hộ dân khác ở gần nơi tái định cư mà dùng số tiền đền bù để mua sắm đồ đạc đắt tiền trong gia đình.

Cũng bị di dời bởi Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My có 321 hộ dân tái định cư nằm rải rác từ thôn 2 đến thôn 6. Do bất cập trong công tác quy hoạch trước đây, các hộ dân này được bố trí tái định cư ngay trong phạm vi rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh. Diện tích đất sản xuất được cấp ít, lại ở xa chỗ ở nên nhiều hộ dân tái định cư ở xã Trà Bui đã bỏ hoang nhà cửa được cấp, quay trở lại diện tích đất canh tác trước đây nằm ven lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 dựng nhà để ở.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Nguyễn Nhuần cho biết: Để giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất của người dân tái định cư, năm 2016 được sự nhất trí của UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My đã giao gần 175 héc-ta diện tích đất được quy hoạch rừng sản xuất và ngoài 3 loại rừng cho 136 hộ dân tái định cư thủy điện ở hai xã Trà Bui và Trà Đốc. Thời gian tới, UBND huyện Bắc Trà My tiếp tục kiến nghị với các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam xem xét, chuyển một số diện tích canh tác nương rẫy lâu năm của người dân nằm trong vùng lõi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất để cấp cho người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Theo nhiều hộ dân ở các khu tái định cư thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, một gia đình có từ 3 lao động, phải được cấp ít nhất 2 héc-ta trở lên mới đảm bảo đủ diện tích canh tác, phù hợp với đặc thù ở miền núi. Tuy nhiên, việc cấp thêm đất sản xuất cho người dân tái định cư thủy điện liên quan đến vấn đề quy hoạch, bảo vệ và phát triển các loại rừng. Vì vậy, đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh phù hợp để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu đất sản xuất hiện nay. Cùng với đó, tỉnh cần chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động khu vực miền núi./.

Đỗ Trưởng 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm