Quảng Nam: Mưa lũ kéo dài gây nhiều thiệt hại, 4 người chết và 2 người mất tích

Từ ngày 6/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to, gây thiệt hại nhiều công trình công cộng và tài sản của người dân. Mưa lũ đã làm 4 người dân thiệt mạng và 2 người khác mất tích do bị chìm tàu.

Quang Nam: Mua lu keo dai gay nhieu thiet hai, 4 nguoi chet va 2 nguoi mat tich hinh anh 1Mưa lũ đã làm nhiều tuyến đường và nhà dân bị ngập trong nước. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, từ 1 giờ ngày 11/10 đến trưa 12/10, tổng lượng mưa tại các địa phương bình quân từ 147,8 mm đến 356 mm, cùng với lượng nước do các nhà máy thủy điện Sông Bung 4, A Vương và Dak Mi 4 đồng loạt xả lũ khiến mực nước ở các con sông liên tục dâng cao. Cụ thể: Trên sông Vu Gia tại huyện Đại Lộc là 9,39 m, trên báo động III 0,39 m; trên sông Thu Bồn tại thành phố Hội An là 2,7 m trên báo động III 0,70 m; trên sông Tam Kỳ tại thành phố Tam Kỳ là 2,7 m ở mức báo động III. Nước trên các sông liên tục dâng cao khiến cho mực nước ở 10 hồ chứa thủy lợi là Đá Vách, Thạch Bàn, Khe Tân, Phú Lộc, Hương Mao, Nước Rôn, An Long, Hố Giang, Vĩnh Trinh và Cây Thông đã đầy; 1 hồ đạt trên 90% dung tích hữu ích, 4 hồ đạt trên 50% và 2 hồ dưới 50%. Mực nước hiện tại của các hồ chứa thủy điện trong tỉnh cũng đã cận kề với mực nước dâng bình thường: Sông Tranh 2 là 169,13 m - 175 m, A Vương là 376,84 m - 380 m, Dak Mi 4 là 258 m - 258 m, Sông Bung 4 là 221,68 m - 222,5.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay mặc dù trời có hửng nắng nhưng nhiều điểm trên các tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ vẫn còn ngập sâu trong nước, người dân đi lại rất khó khăn, hàng loạt ô tô, xe máy không nổ được máy sau khi đi qua các điểm đường bị ngập, phải nhờ xe cứu hộ, dắt bộ đi sửa chữa.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có gần 100 nhà ở bị thiệt hại do mưa lũ, 7.339 nhà ở bị ngập; 30 điểm trường bị ngập lụt, sạt lở đất. Về nông nghiệp có 1243 ha lúa, rau màu, cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn; 20 cây xanh bị ngã đổ; 2.610 con gia cầm, 10 con gia súc bị chết; 85 m kênh mương bị sạt lở, 1.650 m3 đất bồi lấp, 1 km bờ sông và 2,5 km bờ biển bị sạt lở. Về giao thông, trên tuyến quốc lộ có 68 điểm bị sạt lở với khối lượng khoảng 53.000 m3 đất đá và trên tuyến đường giao thông địa phương có 5 km đường bị sạt lở, hư hỏng, 21 điểm đường bị sạt lở với khối lượng khoảng 33.000 m3 đất đá.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, để đảm bảo an toàn cho người dân sống ở những vùng có nguy cao xảy ra tai nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tiến hành di dời 533 hộ dân với 1.677 người đến nơi ở tạm an toàn. Các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền địa phương huy động lực lượng tổ chức khắc phục và đặt biển cảnh báo, nghiêm cấm người dân qua tại những điểm sạt lở, ngập nước có nguy cơ cao gây tai nạn; tiến hành khơi thông cống rãnh thoát nước, bảo vệ kết cấu hạ tầng các tuyến đường, thu dọn rác và cây xanh bị gãy đổ, đảm bảo vệ sinh môi trường và giao thông cho người dân đi lại. Các cấp chính quyền địa phương cũng đến thăm hỏi, động viên và tặng lương thực, thực phẩm, nước uống, tạo điều kiện cho những hộ bị ảnh hưởng dần ổn định lại cuộc sống sau thiên tai. Lực lượng chức năng cũng kêu gọi những tàu thuyền đang đánh bắt ngoài biển mau chóng tìm chỗ tránh trú, nghiêm cấm tàu thuyền không được ra biển đánh bắt.

Ngoài ra, Sở Công Thương và Sở Y tế huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hệ thống điện để phục vụ đời sống, sản xuất; hỗ trợ các địa phương thuốc và hóa chất để khám chữa bệnh và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ...

Trịnh Bang Nhiệm

Tin liên quan

Hai trường hợp tử vong do mưa lũ ở Kon Tum

Sáng 12/10, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức họp trực tuyến kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn. Theo báo cáo của các địa phương, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có hai trường hợp tử vong. Đó là em Y Liên, sinh năm 1998 (trú xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), là sinh viên năm 2 Trường Đại học Đà Lạt và Trung úy Phạm Ngọc Hải, sinh năm 1981, trú tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.


Quảng Trị: Lũ các sông lên lại rất nhanh

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, sáng 12/10, lũ các sông trên địa bàn tỉnh đang lên lại. Trên sông Thạch Hãn và Ô Lâu, lũ lên lại rất nhanh.


Kon Tum: Cảnh báo lũ tại các lưu vực sông lớn

Chiều 11/10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, hiện mực nước trên các con sông lớn như Đăk Bla, Pô Kô, Đăk Tơ Kan đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, mực nước trên sông Đăk Bla sẽ tiếp tục dâng, do hồ chứa Đăk Bla tăng mức xả lũ. Dự kiến, khu vực ven sông tại các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô và Đăk Hà sẽ bị ngập sâu từ 0,2 – 1m, riêng thành phố Kon Tum có nơi ngập sâu từ 1 – 2m. Đặc biệt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở các khu vực sông, suối nhỏ và sạt lở đất.


Gió lốc xoáy khiến hàng chục ngôi nhà bị tốc mái ở Quảng Nam

Trưa ngày 11/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 chuyển thành vùng áp thấp, giữa lúc mưa to và rất to, đã xuất hiện một cơn gió lốc xoáy mạnh khiến nhiều ngôi nhà của người dân thôn Đông Trì, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bị tốc mái và hư hỏng nặng.



Đề xuất