Quảng Nam: Du lịch biển hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành mũi nhọn

Quảng Nam: Du lịch biển hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành mũi nhọn
Một thoáng Cù Lao Chàm. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Một thoáng Cù Lao Chàm. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư du lịch, Hiệp hội du lịch cho rằng: Trục lõi Di sản Miền Trung gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế là ba địa phương có tiềm năng về du lịch, được Tổng cục Du lịch đánh giá là khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam trong thời gian đến. Cùng với Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng đã có Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm là những điểm đến được cộng đồng lữ hành trong và ngoài nước công nhận. 

Ông Lê Định, Giám đốc Công ty Cổ phần Vinpearl, Chi nhánh Quảng Nam cho rằng: Quảng Nam đang phát triển những lợi thế sẵn có, gồm những bãi biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo thành những đòn bẩy cho tỉnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, với bờ biển dài, sở hữu nhiều bãi biển đẹp như Hà My (thị xã Điện Bàn); Bình Minh, Bình Dương (huyện Thăng Bình); Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ); Bãi Rạng, đảo Tam Quang (Núi Thành)… cùng với lợi thế đặc biệt về môi trường sinh thái, du lịch biển đảo Quảng Nam đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Hồ Tấn Cường nhấn mạnh: Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã xác định ưu tiên phát triển hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm: nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, các sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển. Riêng với Quảng Nam, địa phương đã hội tụ đủ những điều kiện để xúc tiến đầu tư, khai thác du lịch biển trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Bờ biển Quảng Nam dài và “ôm trọn” hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và Mỹ Sơn cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trong tam giác phát triển du lịch biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An) - Tam Hải (Núi Thành) – Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã mở ra nhiều triển vọng để hình thành các sản phẩm du lịch biển như: du lịch bằng thuyền và lặn biển, du ngoạn, nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn biển, du lịch thể thao biển. 

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nhấn mạnh: Với những lợi thế của mình, biển đảo Quảng Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Vấn đề là phải biết làm thế nào để khai thác biển đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Tỉnh sẽ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch, nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip đến các thị trường du lịch lớn Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, ASEAN nhằm tạo sự giao lưu, kết nối, hợp tác phát triển du lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết vùng Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Miền Trung - Tây Nguyên, liên kết với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước nhằm xúc tiến quảng bá du lịch biển đảo Quảng Nam nói riêng và du lịch Quảng Nam nói chung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững trong những năm tới.
 
Đoàn Hữu Trung 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm