Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh

Dự án khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang dự kiến khai trương vào quý II/2022. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Dự án khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang dự kiến khai trương vào quý II/2022. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Các ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã và đang tập trung chuẩn bị mọi mặt cho Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, gắn với tiêu chí du lịch xanh.

Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh ảnh 1Dự án khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang dự kiến khai trương vào quý II/2022. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Là khu du lịch sinh thái đầu tiên được đầu tư bài bản ở vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang sẽ là điểm đến thú vị cho du khách khi đến tỉnh. Khu du lịch này nằm trên địa bàn hai xã Mà Cooih và Kà Dăng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.600 tỷ đồng, quy mô 120 ha. Vượt qua những khó khăn về địa hình và ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đơn vị thi công đang nỗ lực để đưa dự án khai trương vào quý II/2022.

Bà Phạm Thị Nghĩa, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang cho biết, hai năm qua, dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng đơn vị sẽ phấn đấu đưa dự án vào khai trương đúng tiến độ (quý II/2022). Hiện nay, các đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục. Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ tu và tỉnh sẽ có thêm một điểm đến du lịch sinh thái.

Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho rằng, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế địa phương. Hiện người dân dọc tỉnh lộ ĐT609 hay tuyến đường Hồ Chí Minh cũng như các xã trong vùng dự án đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng phục vụ du lịch. Một số hộ đã trồng cây ăn quả, các cây đặc hữu để phục vụ du lịch. Huyện kỳ vọng ngoài phát triển du lịch, dự án còn là đòn bẩy để nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đang khai thác tại các Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, mở rộng không gian du lịch vào phía nam của tỉnh.

Với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, Quảng Nam đã huy động cộng đồng, doanh nghiệp và các đơn vị du lịch tham gia tổ chức các sự kiện, hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2022, xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới, độc đáo và hấp dẫn như sản phẩm du lịch trải nghiệm sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My; lễ hội trái cây ở huyện Tiên Phước; du lịch sinh thái, gắn với cuộc sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang; du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp truyền thống ở vùng trung du, ven biển… Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ là dự án tuyên phong để bắt đầu khởi động nhiều dự án của các nhà đầu tư vào khu vực miền núi phía Tây của tỉnh.

Với công tác chuẩn bị bài bản, đổi mới, lấy chủ đề du lịch xanh, thân thiện và an toàn, Năm Du lịch quốc gia 2022 là "cơ hội vàng" để ngành du lịch phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019, đồng thời tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trần Văn Tĩnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm