Quảng Nam bổ sung giống thủy sản bản địa tái tạo nguồn lợi thủy sản

Quảng Nam thả cá bổ sung giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại hồ Phú Ninh. Ảnh : snnptnt.quangnam.gov.vn
Quảng Nam thả cá bổ sung giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại hồ Phú Ninh. Ảnh : snnptnt.quangnam.gov.vn

Liên tục những ngày qua, Chi Cục Thủy sản Quảng Nam đã thực hiện việc thả tôm sú giống, các loại cua, cá có giá trị vào các vùng nước lợ khu vực cuối sông, cửa biển, khu vực hệ sinh thái rừng ngập mặn thuộc phường Cửa Đại (thành phố Hội An), khu vực cửa biển, khu vực sông Trường Giang, đầm phá thuộc các xã Tam Hòa, Tam Hải, Tam Quang, huyện Núi Thành.

Quảng Nam bổ sung giống thủy sản bản địa tái tạo nguồn lợi thủy sản ảnh 1Quảng Nam thả cá bổ sung giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại hồ Phú Ninh. Ảnh: snnptnt.quangnam.gov.vn

Cùng với việc thả các loài thủy sản xuống các vùng nước ngọt, nước lợ, Chi Cục thủy sản Quảng Nam phối hợp với chính quyền, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền việc nâng cao nhận thức cho người dân trong hoạt động khai thác, đánh bắt đúng quy định, tránh khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Đây là một trong những việc làm thường xuyên hằng năm nhằm góp phần cân bằng môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản, qua đó tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Núi Thành Huỳnh Thị Mỹ Dung cho biết, Tam Quang là một trong những địa phương có nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản phát triển mạnh nhất tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, thủy sản vùng nước ngọt, nước lợ ngày càng giảm dần, điều này làm ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân.

Do đó, cùng với việc tuyên truyền vận động người dân khai thác, đánh bắt đúng quy định, tránh khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản, việc thả các loài hải sản giống thích hợp vào vùng nước tự nhiên là một trong những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững.

Hệ sinh thái vùng nước ngọt, nước lợ, vùng ngập mặn của địa phương rất đa dạng và phù hợp với các loài thủy sản bản địa. Nếu được đầu tư đúng mức, quần thể các loài thủy sản bản địa sẽ phục hồi nhanh.

Ông Đặng Thành Tâm, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, Quảng Nam cho biết, thực tế sau nhiều lần thả tôm sú và các loại cua, cá có giá trị vào môi trường sống tự nhiên, nguồn lợi thủy sản ở những khu vực này được cải thiện đáng kể.

Ở môi trường tự nhiên của các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn của địa phương, các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế cao, phát triển rất nhanh. Nhờ đó, thu nhập của người dân sống bằng nghề sông nước cũng tăng lên. Môi trường và nguồn lợi thủy sản được cải thiện còn giúp cho các hoạt động du lịch sinh thái ở khu vực cuối sông, gần biển ngày càng sôi động hơn, hấp dẫn hơn với du khách, qua đó người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nhiều loài thủy sản bản địa có giá trị cao như cá nâu, cá mòi, tôm sú, các loại cua có giá trị kinh tế cao đang suy giảm nghiêm trọng do khai thác bằng xung điện, ngư lưới cụ có mắt lưới quá nhỏ là một thực tế khá phổ biến.

Khắc phục tình trạng này, hằng năm, Chi cục Thủy sản Quảng Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác trên sông và khu vực biển.

Năm 2020, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã phát hiện và xử lý 40 vụ vi phạm, tịch thu nhiều dụng cụ khai thác hải sản trái phép và xử phạt hơn 200 triệu đồng. Hoạt động này đã góp phần hạn chế được tình trạng khai thác tận diệt, nguồn lợi thủy sản được tái tạo theo hướng tích cực, nhận thức của người dân về môi trường và sinh kế bền vững cũng được nâng lên.

Theo ông Ngô Văn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong thời gian qua, việc khai thác nguồn lợi khu vực ven bờ, khu vực ven sông, cửa biển, khu vực hệ sinh thái rừng ngập mặn luôn chịu áp lực lớn nên nguồn lợi có nguy cơ bị cạn kiệt. Do đó việc thả bổ sung các loại thủy sản giống có chất lượng vào môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản là việc làm thường xuyên. Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã thả 1,2 triệu con tôm sú và 5 nghìn cá thể cá giống và cua các loại vào môi trường sống tự nhiên khu ven ven sông, khu vực cửa biển trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam có hệ sinh thái đa dạng, có hệ thống sông ngòi, hồ đập phong phú, thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản ở môi trường tự nhiên phát triển tốt. Bằng cách bổ sung một số giống thủy sản bản địa có nguy cơ tuyệt chủng vào một số thuỷ vực tự nhiên trong những năm qua đã góp phần tăng mật độ quần thể các loài thuỷ sản đã bị khai thác cạn kiệt. Đây là hướng đi phù hợp, đã đang và sẽ được Chi cục thủy sản Quảng Nam tiếp tục thực hiện trong những năm tới.

Mặt khác, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, loại bỏ cho bằng được tình trạng khai thác bằng xung điện, bằng ngư lưới cụ có mắc lưới quá nhỏ là những yếu tố quan trọng, có tính quyết định để tái cân bằng môi trường sinh thái tự nhiên, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, qua đó góp phần tạo môi trường và sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam Ngô Văn Định nhấn mạnh .

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm