Quảng Bình xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Quảng Bình xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 24/12, tại thành phố Đồng Hới, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị xây dựng sản phẩm du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình năm 2022.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi Quảng Bình có diện tích khoảng 3.845 km2, chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh và dân số hơn 45.000 người, chiếm khoảng 4,98% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đây là địa bàn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh. Mặt khác, mỗi tộc người, dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có giá trị văn hóa độc đáo riêng, làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc và thích ứng với điều kiện sống hiện tại.

Quảng Bình xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Hiện Quảng Bình có hơn 40 sản phẩm du lịch đang khai thác, trong đó các sản phẩm du lịch văn hóa tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu tạo sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế; góp phần chuyển đổi sinh kế và nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết: Du lịch Quảng Bình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng: các loại hình sản phẩm du lịch chưa đa dạng; chưa khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa nhất là khu vực miền núi, biên giới; việc phát triển du lịch mới chỉ tập trung chủ yếu tại Phong Nha – Kẻ Bàng và thành phố Đồng Hới; chưa tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh để mở rộng các phân khúc thị trường khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất phụ trợ…

Ông Nguyễn Ngọc Quý nhấn mạnh, hội nghị xây dựng sản phẩm du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình năm 2022 nhằm tạo thêm diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phá huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, khu vực miền núi tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.

Quảng Bình xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 2Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong cho rằng: Quảng Bình là địa phương giàu tài nguyên du lịch hàng đầu Việt Nam. Những năm qua, ngành du lịch Quảng Bình đã biết phát huy lợi thế về tài nguyên, năng động, sáng tạo trong các hoạt động, sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, thực trạng của du lịch Quảng Bình là thiếu ý tưởng, thiếu cách làm, việc phát triển du lịch gắn với các tộc người ở miền núi chưa có... Nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, ông Hồ An Phong đề nghị, ngành Du lịch cần tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt hơn trong tổ chức các hoạt động nhằm thu hút, tìm kiếm các ý tưởng xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch; làm tốt công tác tham mưu, phối hợp thúc đẩy xây dựng các sản phẩm du lịch. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội và phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch tại địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Riêng Quảng Bình là một trong những địa phương giàu tài nguyên du lịch, vùng đất giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó vùng các dân tộc thiểu số, miền núi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đây là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số và khu vực miền núi của Quảng Bình.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có những ý kiến trao đổi thảo luận, đánh giá về tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Quảng Bình. Đồng thời đề xuất các sản phẩm du lịch, khuyến nghị các cơ chế chính sách để thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, Sở Du lịch Quảng Bình cũng đã giới thiệu kênh Tiktok Du lịch Quảng Bình tên gọi “Visit Quang Binh” với nội dung phong phú, sự xác thực cao về thông tin để đẩy mạnh quảng bá du lịch Quảng Bình, đặc biệt là các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số và khu vực miền núi tỉnh Quảng Bình trên nền tảng số chia sẻ video ngắn hàng đầu thế giới hiện nay.

Võ Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm