Quảng Bình: Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Ngày 25/5, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.100 người mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các địa phương có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao như: thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Ninh…

Quang Binh: Tang cuong cac bien phap phong chong benh sot xuat huyet hinh anh 1Cán bộ Trung tâm y tế huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) pha thuốc phun hóa chất diệt muỗi tại xã Võ Ninh. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan chú trọng việc điều tra, giám sát dịch tại cộng đồng, chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ bệnh; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở những địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, nơi công cộng; cán bộ y tế được điều động về tận cơ sở để hướng dẫn, giám sát người dân trong việc thực hiện vệ sinh môi trường gắn với việc diệt muỗi, diệt bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt…

Sở Y tế Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc phân luồng, phân loại bệnh nhân tại khoa khám bệnh, tổ chức khu vực cách ly và tích cực thu dung, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nguồn nhân lực, thuốc men, trang thiết bị, hóa chất... cũng đã được Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng nhằm đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan nhanh, trong đó muỗi là sinh vật truyền bệnh. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước, nơi ao tù nước đọng. Vì vậy, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết của ngành Y tế, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể và cộng đồng trong việc loại trừ bọ gậy.

Trước đó, năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, sốt xuất huyết đã xảy ra trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố với khoảng 8.000 trường hợp, đã có 3 người chết vì sốt xuất huyết. Một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình… đã xảy ra tình trạng quá tải, dù bệnh viện đã kê thêm giường ra hành lang, gầm cầu thang nhưng vẫn không đủ chỗ nằm cho bệnh nhân.

Nguyễn Văn Tý

Tin liên quan

Hà Nội tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè

Trước nguy cơ phát triển dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản… khi thời tiết chuyển sang mùa hè, Sở Y tế Hà Nội vừa chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm.


Cảnh báo bệnh não nghiêm trọng từ dấu hiệu thường xuyên chóng mặt, đau đầu

Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân tại Đồng bằng sông Cửu Long đến các bệnh viện khám bệnh do chóng mặt, đau đầu gia tăng. Đây được coi là căn bệnh “thời đại” do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng như vận động chưa khoa học. Do đó, việc điều chỉnh nếp sinh hoạt sẽ cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của các trung tâm y tế, thường xuyên chóng mặt, đau đầu còn là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý về não, tỉ lệ tử vong cũng như những biến chứng để lại sau can thiệp cao.


Cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố đã bắt đầu xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ trong cộng đồng. Ngành y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh này bởi nguy cơ sốt xuất huyết sẽ bùng phát khi mùa mưa đến.



Đề xuất