Quảng Bình quảng bá sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử

Quảng Bình quảng bá sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn kéo dài, thương mại điện tử là kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả cho nông sản đia phương, đặc biệt là các sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Dù còn gặp nhiều khó khăn trong khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm nhưng đây được xem là hướng đi mới nhiều kỳ vọng, đưa sản phẩm OCOP tiếp cận với người tiêu thụ bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông và đa dạng hơn. Qua đó, tạo kiều kiện phát triển kinh tế các đơn vị và hộ gia đình.

Quảng Bình quảng bá sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử ảnh 1Sản phẩm OCOP cấp tỉnh của HTX Vương Đoàn ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được tiêu thụ mạnh trên các trang thương mại điện tử. Ảnh: quangbinh.gov.vn

Triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay, chương trình OCOP đã lan tỏa sâu rộng, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thông qua các sản phẩm đặc trưng. Năm 2021, toàn tỉnh Quảng Bình có thêm 39 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 96 sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm OCOP cũng được sự hỗ trợ đáng kể của Ngân hàng Chính sách Quảng Bình, các cơ quan chức năng nên tạo được sự phát triển mạnh.

Để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình hiện có hơn 150 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm; trong đó, có rất nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Cùng với quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, Sở Công Thương cũng đã phối hợp, liên kết với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương kết nối các sàn thương mại điện tử đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn.

Cùng với đó, Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin sản phẩm, chủ thể các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cho các sàn thương mại điện tử và các ngành liên quan để đưa sản phẩm lên sàn. Ngoài ra, thông qua Website ocop.quangbinh.gov.vn do chi cục quản lý đã giới thiệu, quảng bá thương hiệu cho 57 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đang tiếp tục cập nhật các sản phẩm OCOP năm 2021.

Chị Nguyễn Thị Như Mận, đại diện Công ty TNHH Như Mận (Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết, năm 2019, công ty bắt đầu tham gia bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Postmart. Qua đó, sản phẩm khoai gieo Như Mận ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng sản phẩm bán ra cũng nhiều hơn so với trước đây. Hiện tại, sản phẩm khoai deo Như Mận được bán trên 10 sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Shoppe, Smartgap, quangbinhtrade… Mỗi năm, công ty bán ra thị trường từ 20-30 tấn khoai deo, cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm”.

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp cả nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, việc đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử hiện nay gặp không ít khó khăn bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới mẻ với bà con nông dân, nhất là đồng bào ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đa số các chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô sản xuất lẫn kinh nghiệm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trên nền tảng thương mại điện tử.

Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử làm “cầu nối” để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử có uy tín.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart và trang thông tin điện tử của sở. Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức các lớp huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý của ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, VietGAP… về thương mại điện tử, chuyển đổi số.

Với sự hỗ trợ của các sở, ngành và chính quyền địa phương, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã được bày bán tại nhiều sàn thương mại điện tử có uy tín như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo... Việc đưa các sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử là bước tiến mới để sản phẩm đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường. Qua đó tạo sự đột phá, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới…

Đức Thọ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm