Quảng Bình phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Quảng Bình phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
Sau khi nước rút, cán bộ y tế huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiến hành phun thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường tại Trạm Y tế xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Sau khi nước rút, cán bộ y tế huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiến hành phun thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường tại Trạm Y tế xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Ngôi nhà của bà Vũ Thị Bông, thôn 4 xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, bị ngập sâu trong nước lũ, khiến sinh hoạt gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Sau khi nước rút, điều bà Bông lo lắng nhất là thiếu nước sạch sinh hoạt cũng như các dịch bệnh về đường tiêu hóa, da liễu, dịch sốt xuất huyết có thể xảy ra. Với tinh thần nước rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó, bà Bông đã tích cực quét dọn rác thải, lau chùi nhà cửa, xử lý xác động vật, úp các chum vại đọng nước…. Bà Bông cho biết: Để có nguồn nước sạch sử dụng, bà đã dùng Cloramin B mà các cán bộ y tế của Trạm y tế xã Thạch Hóa cấp phát cho để khử trùng nguồn nước, đảm bảo có nước sạch nấu ăn và sinh hoạt. Để phòng ngừa sốt xuất huyết, gia đình thường xuyên mắc màn khi đi ngủ.  Tại các địa phương bị ngập sâu của hai huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn…, hàng ngàn hộ dân có nhà bị ngập nặng, nhiều gia súc, gia cầm chết trôi, gây ô nhiễm môi trường. Ngay khi nước rút, hệ thống y tế trên địa bàn đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương xuống các vùng bị ngập lụt xử lý rác, xác súc vật, tập trung thu gom và xử lý gọn để tránh dịch bệnh; cấp phát Cloramin B và hướng dẫn người dân cách khử trùng nguồn nước để có nước sạch sử dụng. Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu, Trạm trưởng Trạm y tế xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: Vì nằm ở vùng thấp trũng nên đợt mưa lũ vừa qua đã làm nhiều nhà dân ngập sâu trong nước; riêng Trạm y tế xã ngập hơn 1m. Sau khi nước rút, Trạm được sự hỗ trợ của các đoàn viên, thanh niên và các lực lượng tình  nguyện tham gia dọn dẹp bùn đất, lau chùi các vật dụng y tế và phun thuốc khử trùng, đảm bảo môi trường y tế sạch sẽ, an toàn. Song song với đó, Trạm cũng bám sát địa bàn, tích cực và thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý các nguồn nước sạch để sử dụng, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc và các vật tư y tế để phục vụ bà con trong mùa mưa lũ.
Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân vùng lũ cách phòng trách dịch bệnh, cách khử trùng nguồn nước để có nước sạch sử dụng. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân vùng lũ cách phòng trách dịch bệnh, cách khử trùng nguồn nước để có nước sạch sử dụng. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Ngành Y tế tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các đoàn cán bộ về thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ người dân và cán bộ y tế cơ sở khắc phục thiệt hại; động viên cán bộ y tế cơ sở cố gắng vượt qua khó khăn, tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định cuộc sống và công tác. Đồng thời, ngành Y tế cấp thêm cơ số thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh, Cloramin B cho các Trạm y tế xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), Trạm y tế xã Thạch Hóa, xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa). Lãnh đạo ngành Y tế Quảng Bình cũng lưu ý các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện tốt công tác sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh, làm tốt công tác y tế dự phòng, tăng cường các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương khi có yêu cầu… Trước đó, nhằm chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống bệnh dịch mùa mưa bão, tháng 7/2019, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình cũng đã cấp thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh để các cơ sở y tế kịp thời cấp phát cho người dân… Tuy nhiên, sau lũ, các nhóm bệnh hay gặp như tiêu chảy, sốt, cảm cúm, hô hấp, đau mắt đỏ…dễ bùng phát. Vì vậy, ngành Y tế Quảng Bình khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh; ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng các hóa chất khử trùng nước; công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cũng cần được quan tâm, xử lý đúng cách.
Võ Dung

Có thể bạn quan tâm