Quảng bá thủy sản, rau quả đặc trưng của sông Hậu và cao nguyên Langbiang

 Quảng bá thủy sản, rau quả đặc trưng của sông Hậu và cao nguyên Langbiang
Nghệ nhân Phan Thị Hồng Nhi (Cần Thơ) với món bánh canh tôm ngũ sắc. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Nghệ nhân Phan Thị Hồng Nhi (Cần Thơ) với món bánh canh tôm ngũ sắc.
Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Tại chương trình, các đầu bếp chuyên nghiệp đến từ các nhà hàng, khách sạn của Cần Thơ và Lâm Đồng đã mang đến 26 món ăn được chế biến từ các loại thủy sản và rau quả đặc trưng của vùng sông Hậu và cao nguyên Langbiang. Trong đó, có 20 món do các đầu bếp của Mekong Cuisine thực hiện và 6 món còn lại do các đầu bếp của Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng thực hiện.

Những món ăn được các đầu bếp đến từ Lâm Đồng chế biến gồm: Salad bơ - tôm đất do bếp trưởng Phan Đức Thiệu của nhà hàng Memory thực hiện; món cơm lam - mắm đùm do bếp trưởng Võ Đình Hùng của Khách sạn Mường Thanh Đà Lạt thực hiện; món phi lê cá tra - rau củ quả ăn kèm sốt chanh dây do bếp trưởng Lê Hoàng Hưng của Khách sạn La Sapinette thực hiện; món chả giò miền Tây, hương vị Langbiang do bếp trưởng Phan Văn Minh của Khách sạn TTC Ngọc Lan thực hiện và món chạo cá thát lát bông Atisô do bếp trưởng Nguyễn Thị Hồng Cúc của Khách sạn Roy Dala thực hiện.
 
Món chả giò miền Tây hương vị Langbiang của Nhà hàng Grill & Chill (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Món chả giò miền Tây hương vị Langbiang của Nhà hàng Grill & Chill (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Trong khi đó, các đầu bếp của Mekong Cuisine mang đến các món ăn kết hợp nguyên liệu của sông Hậu và cao nguyên Langbiang gồm: Salad cá tra phồng; phi lê cá cuộn thịt; bánh canh tôm ngũ sắc; chả giò cá lóc; cá tra một nắng xiên que; gỏi bò chuối cây - thạch nước mắm; salad dưa lưới - đùi heo muối - giấm đen…

Trước đó, khoảng giữa tháng 5/2019, tại nhà hàng Tâm Đắc, thành phố Đà Lạt, các đầu bếp từ Đồng bằng sông Cửu Long tập hợp theo đội hình Mekong Cuisine đã cùng các đầu bếp của Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng chế biến những món ngon đặc sắc từ sự phối hợp nguồn nguyên liệu của Đồng bằng sông Cửu Long và cao nguyên Langbiang.
 
Món bánh xèo đa sắc màu dùng kèm rau củ Langbiang của Nhà hàng Ven Sông (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
 Món bánh xèo đa sắc màu dùng kèm rau củ Langbiang của Nhà hàng Ven Sông (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Tuy nhiên, những món ngon được kết hợp lần này tại đất Tây Đô khác với những món đã được đầu bếp của hai bên kết hợp và thực hiện trước đó tại Đà Lạt. Ông Phạm Bửu Việt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bếp Ngon Phương Nam chia sẻ, với phương châm hợp tác và chia sẻ, “cá tôm sông Hậu, rau củ Langbiang” là cách tiếp cận gần gũi, thân tình của Mekong Cuisine nhằm giúp các thành viên mở rộng mối liên kết vùng nguyên liệu, chia sẻ ý tưởng làm mới thực đơn, đa dạng hóa món ngon theo hướng nâng cao giá trị, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong việc tạo sắc thái mới trên bàn ăn.

Còn ông Nguyễn Hữu Hường - Chủ nhiệm Chi hội đầu bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng cho rằng, câu chuyện ẩm thực khi có sự tham gia nhiệt tình của các đầu bếp ở vùng sông nước Cửu Long kết hợp với các đầu bếp ở cao nguyên Langbiang đã mở ra triển vọng bổ sung thực đơn cho cả hai phía.

Bếp Ngon Phương Nam (Mekong Cuisine) là câu lạc bộ được ra mắt đầu năm 2018, tập hợp hơn 20 thành viên là chủ nhà hàng, quán ăn ở thành phố Cần Thơ và các địa phương lân cận. Phương châm hoạt động của Mekong Cuisine là mong muốn gìn giữ tinh túy ẩm thực miền Tây Nam bộ, đồng thời sáng tạo, chế biến món ăn mới dựa trên nguồn nguyên liệu bản địa dồi dào. Qua đó để có thêm những món ngon trở thành sản phẩm du lịch phong phú, quảng bá đi xa hơn để phục vụ thực khách.
Thanh Liêm
TTXVN

Có thể bạn quan tâm