Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19

Thu hoạch sơn tra tại bản vùng cao khó khăn Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Thu hoạch sơn tra tại bản vùng cao khó khăn Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Sơn tra (táo mèo) là cây trồng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phủ xanh đất rừng ở vùng cao tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, giá quả sơn tra xuống thấp, khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19 ảnh 1Tại bản vùng cao khó khăn Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La những ngày này đã là thời điểm cuối vụ, nhưng quả sơn tra chín vàng vẫn còn trên nương rất nhiều. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN  

Tại bản vùng cao khó khăn Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, những ngày này đã là thời điểm cuối vụ, nhưng quả sơn tra chín đỏ vẫn còn trên nương rất nhiều. Không như những năm trước, khoảng tháng 8, đầu tháng 9 là người dân đã thu hái hết.

Chị Kháng Thị Mai ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến cho biết, cây sơn tra đã có mặt ở bản từ rất lâu. Nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, quả sơn tra nơi đây khi chín có màu đỏ ửng, giòn, nhiều nước và có vị chua ngọt đặc trưng riêng mà không bị chát, thường được tiểu thương từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái... đến tận nơi thu mua.

Sau gần 10 năm phát triển, đến nay gia đình chị có 5 ha sơn tra, cho thập nhập bình quân mỗi năm gần 100 triệu đồng. Từ đó, gia đình chị có điều kiện xây nhà, mua xe và cho con đi học… Gia đình chị đang tiếp tục mở rộng diện tích cây sơn tra, phấn đấu đạt 10 ha trong vài năm tới.

Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19 ảnh 2 Thu hoạch sơ tra tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, bản Nậm Nghiệp có khí hậu sương mù quanh năm, thích hợp với việc trồng và phát triển cây sơn tra. Hơn nữa, nhờ được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, từ 20 ha trồng sơn tra ban đầu, đến nay bản Nậm Nghiệp đã phát triển lên hơn 300 ha, với giá bán ổn định như những năm trước từ 10 - 15 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, quả sơn tra xuống thấp. Thậm chí năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng với giao thông đi lại khó khăn, dù giá quả sơn tra giá chỉ còn 3 nghìn đồng/kg, nhưng tiểu thương không đến mua, bà con cũng không vận chuyển quả đi được nên quả chín không có ai thu hoạch, đành để rụng.

Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19 ảnh 3Thu hoạch sơn tra tại bản vùng cao khó khăn Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19 ảnh 4 2 năm trở lại đây, quả sơn tra liên tục xuống giá nhưng tiểu thương không đến mua, nhân dân cũng không vận chuyển quả đi được nên quả chín không có ai thu hoạch, đành để rụng đầy dưới gốc cây. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19 ảnh 5Người dân thu hoạch sơn tra. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19 ảnh 6 Nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, trên địa bàn huyện Mường la, đặc biệt là các xã vùng cao nên quả sơn tra khi chín có màu đỏ ửng, ăn giòn, nhiều nước, có vị chua ngọt đặc trưng riêng mà không bị chát, thường được tiểu thương từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Trung Quốc đến tận nơi thu mua. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19 ảnh 7 Do giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá quả sơn tra bán tại bản vùng cao khó khăn Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chỉ còn 3 nghìn đồng/1kg. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN 
Quả sơn tra ở Mường La khó tiêu thụ do dịch COVID-19 ảnh 8Đầu ra cho quả sơn tra nơi đây vẫn là một thách thức đối với người dân và chính quyền nơi này. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Ông Thào A Vạng, Trưởng bản Nậm Nghiệp chia sẻ, người dân trong bản mong muốn, Đảng, nhà nước có phương pháp, kỹ thuật chăm sóc để cây sơn tra đảm bảo về sản lượng, chất lượng quả và quan tâm xây dựng đường giao thông để thuận tiện vận chuyển tiêu thụ quả sơn tra cung như việc đi lại của người dân.

Mường La hiện có hơn 2.200 ha trồng cây sơn tra; trong đó, hơn 1.600 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt 6.800 tấn. Việc tiêu thụ quả sơn tra của huyện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các xã vùng cao, có độ ẩm lớn nên không thể sấy khô, bảo quản quả tại chỗ. Huyện cũng chỉ có 2 cơ sở có kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, việc tiêu thụ quả sơn tra vẫn phụ thuộc vào các thương lái với giá cả bấp bênh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La Nguyễn Văn Tâm, thông tin, trước những khó khăn trong việc tiêu thụ quả sơn tra, huyện đã tích cực phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh nông sản kinh phí xây dựng nhà kho, xưởng phục vụ thu mua và sơ chế nông sản; tìm giải pháp chế biến quả sơn tra thành nước ép, ô mai để giúp người dân có thêm thu nhập… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tâm, trong điều kiện dịch COVID-19 như hiện nay, huyện đã chỉ đạo phối hợp với các doanh nghiệp hướng dẫn người dân ngâm ủ quả sơn tra tại chỗ. Sau đó bằng các sản phẩm rượu và sản phẩm từ quả sơn tra ngâm thì các doanh nghiệp sẽ vận chuyển, chế biến vào giai đoạn năm 2022 và những năm tiếp theo. Đó cũng là phương án để giải quyết ngay thời kỳ đang khó khăn để vận chuyển sơn tra ra ngoài địa bàn.

Qua nhiều năm, cây sơn tra đã khẳng định giá trị kinh tế, góp phần mang lại nguồn thu ổn định cho người dân và phủ xanh đất rừng. Song, để cây sơn tra phát triển bền vững, huyện Mường La đã xác định cần hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững… để khắc phục tình trạng giá cả bấp bênh.

Quang Quyết


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm