Quả ngọt từ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ở Cần Thơ

Vườn mít Thái gần 3 năm tuổi của gia đình anh Đào Huy Lực, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Vườn mít Thái gần 3 năm tuổi của gia đình anh Đào Huy Lực, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Những năm gần đây, tại nhiều quận, huyện khu vực ngoại thành của Cần Thơ như: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Ô Môn, Thốt Nốt..., đời sống người dân có nhiều thay đổi theo hướng khá giàu lên nhờ chuyển sang trồng cây ăn trái trên nền đất lúa ít hiệu quả. Các loại cây trồng được nông dân chọn chuyển đổi nhiều trong các năm qua là sầu riêng, mít, vú sữa, nhãn, xoài. Tuy hầu hết sản phẩm mới chỉ được bán ở dạng trái tươi nhưng theo các nhà vườn, hiệu quả kinh tế cây ăn trái đem lại vẫn cao hơn so với trồng lúa.

Quả ngọt từ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ở Cần Thơ ảnh 1Nông dân xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chăm sóc vườn mít được chuyển đổi từ đất lúa. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Hiệu quả bất ngờ

Có 7 ha đất ruộng làm lúa nhiều năm nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng nên gần 3 năm nay, anh Đào Huy Lực, trú tại ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ quyết định chuyển hướng sang trồng cây ăn trái. Năm 2019, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin qua báo đài cũng như trên mạng xã hội, anh Lực mạnh dạn bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để thuê người đào mương, lên liếp đắp mô trồng sầu riêng và mít, theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Xác định sầu riêng là cây chủ lực, anh Lực chọn hai giống đang được thị trường ưa chuộng là Ri 6 và Monthong để trồng, cùng đó xen thêm mít. Theo anh Lực, mít là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, mau cho trái trong khi sầu riêng phải từ 3 năm trở lên mới có thể ra trái. Anh Lực dự kiến, khi sầu riêng bước vào giai đoạn ra quả ổn định sẽ đốn bỏ mít, dành toàn bộ không gian sinh trưởng cho cây sầu riêng.

Theo tiết lộ của anh Lực, tuy có thời gian phát triển ngắn hơn nhưng thông thường, cây mít cũng phải mất từ 15 – 18 tháng mới có thể để trái. Tuy nhiên, nhờ áp dụng kết hợp giữa phân bón hữu cơ sinh học và phân hóa học giúp cải tạo đất, kích thích cây ra rễ khỏe, chỉ sau 8 tháng trồng, vườn mít của anh Lực đã ra hoa và cho thu hoạch lứa mít thương phẩm đầu tiên ở tháng thứ 12.

Hiện tại, mít đã cho thu hoạch năm thứ hai và tiền bán mít mang lại cho anh Lực nguồn thu nhập đáng kể, có thể cáng đáng được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho toàn bộ khu vườn. Đặc biệt, mít Thái trồng tại vườn anh Lực cho trái rất to, với trọng lượng bình quân đạt từ 15-20 kg/trái nên tỷ lệ hàng loại 1 đạt hơn 80% và bán được giá cao hơn bình thường từ 500 – 1.000 đồng/kg.

“Tôi chọn mít vì năng suất cao hơn những loại cây khác lại dễ trồng, mau có thu nhập. Vườn mít của tôi đến nay đã đảm bảo dư tiền cho phân bón cũng như trang trải các chi phí khác để nuôi cây sầu riêng”, anh Lực cho biết.

Dù lập vườn chưa đầy 3 năm, vườn cây của anh Đào Huy Lực đã cho thu hoạch được hàng chục tấn mít. Đặc biệt, có những thời điểm giá mít Thái lên cao khoảng từ 40.000-50.000 đồng/kg như trong các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 nên khu vườn đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định.

Quả ngọt từ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ở Cần Thơ ảnh 2 Vườn mít Thái gần 3 năm tuổi của gia đình anh Đào Huy Lực, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Hướng đi đúng

Chúng tôi gặp chị Đặng Thị Hạnh, chủ nhân một mảnh vườn rộng 2,5 ha đang trồng mít và nhãn Ido ở ấp 5, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ một ngày cuối tháng 6 khi chị đang tỉa cảnh, chăm sóc những gốc mít sau khi thu hoạch xong.

Đây là đất được chị thuê lại của người khác với giá 60 triệu đồng/năm cho toàn bộ diện tích 25.000 m2. Cách đây 3 năm, người chủ cũ sau nhiều năm làm lúa không hiệu quả nên đã cho gia đình chị Hạnh thuê để trồng cây ăn trái.

Năm nay là năm thứ hai vườn mít 1.600 gốc của chị Hạnh cho thu hoạch. Vụ đầu tiên, mỗi cây chị Hạnh để một trái, tổng cộng được 1.300 trái, sản lượng đạt 14,5 tấn. Từ tháng 9/2021, đợt mít thứ hai bắt đầu được cắt dần bán cho thương lái, kéo dài đến đầu tháng 6 vừa qua thì kết thúc với số lượng nữ chủ vườn tổng kết là 45 tấn.

Theo chị Hạnh, do ảnh hưởng của đợt rớt giá kéo dài từ tháng 2/2021 nên đợt mít cuối cùng chỉ bán được 5.000 đồng/kg. Tính chung cả vụ, giá bình quân là 12.000 đồng/kg vì trong thời gian thu hoạch, có thời điểm giá mít rất cao như đã đề cập ở trên. Như vậy, 45 tấn mít đem về cho chị Hạnh số tiền 540 triệu đồng. Đây là con số rất lớn nếu so sánh với cùng diện tích trồng lúa.

“Sau 2 năm, trừ hết chi phí đầu tư cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tôi lãi một phần ba”, chị Hạnh cho biết.

Tại thành phố Cần Thơ, nông dân trồng lúa nếu được mùa, được giá thì thu nhập từ 40-50 triệu đồng/ha và sau khi trừ chi phí lãi từ 20 – 30 triệu đồng/ha. Tuy vậy, mức này chủ yêu ở vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu và Thu Đông rất thấp.

Theo nhiều nông dân, dù nhiều mặt hàng nông sản; trong đó, có trái cây vẫn chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu tiêu thụ dạng ăn tươi; giá cả nhiều khi cũng rớt xuống mức rất thấp nhưng nhìn chung kinh tế vẫn khá hơn trước đây trồng lúa.

Hiện nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên giá nhiều loại trái cây không được cao như các năm trước. Các nhà vườn vẫn tin tưởng rằng, sau khi đại dịch qua đi, việc giao thương, xuất khẩu trở lại bình thường thì giá trái cây sẽ tăng trở lại.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, ngành nông nghiệp đã khuyến khích nông dân chuyển những diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái. Khoảng 5 năm gần đây, nông dân Cần Thơ đã chuyển đổi diện tích đất ruộng lúa kém hiệu quả, vườn tạp và vườn không chuyên canh sang trồng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản như: sầu riêng, xoài, nhãn, vú sữa, dâu Hạ Châu có giá trị kinh tế cao.

Quả ngọt từ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ở Cần Thơ ảnh 3Vườn nhãn Ido của nông dân Hợp tác xã Đồng Tâm, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ được chuyển đổi từ những diện tích lúa kém hiệu quả. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Đến nay, tổng diện tích vườn cây ăn trái của Cần Thơ là hơn 21.000 ha. Riêng năm 2020, khoảng 2.000 ha đất lúa hiệu quả thấp đã được nông dân chuyển đổi. Thành phố cũng phát triển được 26 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng cây ăn trái theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó; 15 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn trái được hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP với hơn 266 ha. Thành phố có hơn 100 ha cây ăn trái với các loại xoài cát Hòa Lộc, nhãn, vú sữa, mít, cam, sầu riêng được được chứng nhận VietGAP.

Ông Nghiêm cho hay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cùng các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động để đồng hành cùng nông dân, bao gồm: hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cây giống và kết nối cung cầu nhằm giúp người dân chuyển đổi đạt hiệu quả.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết nhà vườn và hợp tác xã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung; cấp mã số vùng trồng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây là hướng đi mà ngành nông nghiệp của Cần Thơ đã xác định để tạo ra các sản phẩm trái cây chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

“Chúng tôi cho rằng, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc là rất cần thiết. Bởi, trái cây muốn xuất khẩu đi các nước, đưa vào siêu thị và các kênh bán hàng cấp cao, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và có nguồn gốc rõ ràng”, ông Trần Thái Nghiêm chia sẻ.

Thanh Liêm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm