Phương Tây đã “phớt lờ” đề xuất của Nga về sự thoái lui của ông Assad

Phương Tây đã “phớt lờ” đề xuất của Nga về sự thoái lui của ông Assad
Theo tiết lộ của cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari (1994-2000), 3 năm trước đây, Moskva từng nêu ý tưởng Tổng thống Bashar al-Assad chấp thuận thoái lui ảnh hưởng, coi đây là một phần nỗ lực để đổi lấy thỏa thuận hòa bình. Thế nhưng phương Tây đã không nắm lấy đề nghị này, khiến hàng chục ngàn người Syria thiệt mạng vì nội chiến, hàng triệu người mất nhà cửa và là một phần dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2. Ông Ahtisaari  từng đoạt giải Nobel Hòa bình (2008) và tại thời điểm đó trực tiếp tham gia vào tiến trình đàm phán kín về khủng hoảng Syria. 
Phương Tây đã “phớt lờ” đề xuất của Nga về sự thoái lui của ông Assad ảnh 1
Cảnh tượng hoang tàn, đổ nát tại Syria sau nhiều năm nội chiến. Ảnh: Reuters
Tháng 2/2012, ông Ahtisaari tham dự các cuộc tiếp xúc của đại diện 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ông cho biết, tại các phiên thảo luận này, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin đã trình bản kế hoạch 3 điểm, trong đó có cả ý tưởng Tổng thống Assad sẽ thôi tại vị ở một thời điểm nào đó, sau khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Damascus và phe đối lập được khởi động. Thế nhưng Mỹ, Anh, Pháp đã không chấp thuận đề xuất này, vì chắc rằng nhà lãnh đạo Syria sẽ bị lật đổ.“Đó là cơ hội bị bỏ lỡ tại thời điểm năm 2012”, cựu Tổng thống Phần Lan chia sẻ trong một cuộc trả lời phỏng vấn.  Cụ thể, ngày 22/2/2012, ông Ahtisaari được cử đến gặp phái bộ 5 nước thường trực HĐBA LHQ tại New York, theo chương trình được “Nhóm Lão thành” – một nhóm cựu các nhà lãnh đạo thế giới hoạt động vì hòa bình và nhân quyền như Nelson Mandela, Jimmy Carter, Kofi Annan, tổ chức. “Cuộc gặp thú vị nhất là với Vitaly Churkin, bởi tôi biết ông ấy. Chúng tôi không hẳn đồng thuận với nhau trong nhiều vấn đề, nhưng có thể trao đổi thẳng thắn. Tôi nói rõ lý do mình có mặt ở đây và ông ấy đáp lời: Martti, ngồi xuống đi, tôi sẽ nói cho anh biết chúng ta sẽ phải làm gì. Ông ấy (Churkin) đề cập 3 điểm: Một là, không được vũ trang cho phe đối lập; Hai là, thúc đẩy đối thoại thẳng thắn giữa phe đối lập và Tổng thống Assad; Ba là, cần phải tìm ra một cách thức hợp lý cho sự thoái lui của ông Assad”, ông Ahtisaari thuật lại. Cũng theo lời cựu Tổng thống Phần Lan, ông lập tức chuyển thông điệp này tới phái bộ Mỹ, Anh, Pháp tại LHQ, nhưng “chẳng có chuyển động gì, bởi tôi nghĩ rằng cả ba nước này, và nhiều nước khác nữa, tin chắc là ông Assad sẽ bị phế truất chỉ trong vài tuần nữa và vì thế không cần làm gì hơn”.  Lúc ông Ahtisaari tới New York, số người thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Syria mới chỉ là 7.500 người. Con số đó đã tăng lên 220.000 vào đầu năm nay, cùng với khoảng 11 triệu người Syria đã phải ly hương - thống kê của LHQ cho biết. Bất ổn ở Syria cũng là phần nguyên nhân đưa tới sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. “Lẽ ra chúng ta phải ngăn chặn điều này ngay từ đầu, vì đây là thảm họa tự tạo – dòng người di cư đổ tới các nước châu Âu. Tôi không nhìn thấy lựa chọn nào khác ngoài việc quan tâm đến những người nghèo khổ này… Chúng ta phải trả giá cho những gì tự mình gây ra”, ông Ahtisaari nói. 
Phương Tây đã “phớt lờ” đề xuất của Nga về sự thoái lui của ông Assad ảnh 2
Ông Martti Ahtisaari: Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do mình tự tạo ra. Ảnh: Getty Images
Giới chức ngoại giao phương Tây tại LHQ từ chối xác nhận những thông tin mà ông Ahtisaari đưa ra, chỉ nói một cách chung chung rằng ở thời điểm đó các nhóm đối lập chủ chốt tại Syria không chấp nhận bất kì một đề xuất nào một khi ông Assad còn tại vị. Một quan chức ngoại giao châu Âu nhớ lại: Năm 2012, phương Tây còn “do dự” trước việc ông Assad ra đi, vì chưa thấy xuất hiện phe nhóm có đủ sức mạnh thay thế. Ở phía bên kia, Nga lúc đó luôn giữ quan điểm vấn đề không phải là ông Assad, nhưng nếu phương Tây quá "hào hứng", Moskva sẵn sàng thảo luận về khía cạnh này, với điều kiện đây chỉ là một phần trong bản kế hoạch tổng thể, trong cả tiến trình và sự thoái lui chỉ ở một thời điểm nào đó, không phải ngay tức thì.   Hiện chưa có phản ứng của Nga về vấn đề này. Đại sứ Churkin từ chối trả lời câu hỏi liệu các cuộc thảo luận với ông Ahtisaari chỉ là dưới góc độ cá nhân hay không. Trong các phát biểu công khai gần nhất, Moskva luôn khẳng định tương lai của Syria, kể cả cá nhân Tổng thống Assad, phải do chính người dân Syria quyết định, chứ không phải do các "tay chơi" đứng ngoài.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm