Phục dựng nhà cộng đồng truyền thống cho đồng bào Cơ Tu

Phục dựng nhà cộng đồng truyền thống cho đồng bào Cơ Tu
Lễ cắt băng khánh thành nhà Gươl. Ảnh: Hồ Cầu-TTXV
 Lễ cắt băng khánh thành nhà Gươl. Ảnh: Hồ Cầu-TTXV

Công trình nằm trong dự án “Phục dựng và bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống của dân tộc Cơ Tu" do Đại học Khoa học Huế, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế và Đại học Kyoto (Nhật Bản) thực hiện. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ người dân bản địa phục dựng lại nhà Gươl theo phương pháp truyền thống từ việc khai thác và sử dụng vật liệu đến cách thức xây dựng, hình thức kiến trúc, trang trí; nâng cao năng lực cộng đồng và hiện thực hóa chủ trương phục dựng nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
 
Địa phương tặng quà lưu niệm cho các đơn vị tài trợ và thiết kế xây dựng trong lễ khánh thành nhà Gươl. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Địa phương tặng quà lưu niệm cho các đơn vị tài trợ và thiết kế xây dựng trong lễ khánh thành nhà Gươl. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Dự án phục dựng nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu ở thôn A Ka có tổng vốn hơn 316 triệu đồng; trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại 125 triệu đồng (do Đại học Kyoto tài trợ) và vốn đối ứng 191 triệu đồng (được đóng góp bằng ngày công của người dân địa phương và vật liệu xây dựng). Sau khi kết thúc tài trợ, sự đóng góp của người dân địa phương, nguồn thu thông qua các chương trình tham quan nhà cộng đồng sẽ được dùng để duy trì hoạt động, bảo quản công trình.
 
Các thiếu nữ dân tộc Cơ Tu múa hát chào mừng lễ khánh thành nhà Gươl. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Các thiếu nữ dân tộc Cơ Tu múa hát chào mừng lễ khánh thành nhà Gươl.
Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Huế Hà Văn Hành cho biết: Nhà Gươl là công trình kiến trúc mang nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Cơ Tu, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của làng. Thời gian qua, nhà Gươl không còn phổ biến và có nguy cơ mai một. Vì vậy, việc phục dựng nhà Gươl truyền thống là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần khôi phục, bảo tồn loại hình kiến trúc truyền thống đặc sắc, đồng thời quảng bá văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.

Nhà Gươl của thôn A Ka cũng sẽ là hình mẫu, cơ sở để nhân rộng cho các thôn khác trên địa bàn huyện Nam Đông. Điểm đặc biệt của dự án là việc phục dựng nhà Gươl ở thôn A Ka hoàn toàn dựa vào cộng đồng, người dân thôn A Ka đã góp hơn 1.000 ngày công để xây dựng trong suốt 2 năm. Thời gian tới, Trường tiếp tục phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai hoạt động liên quan đến cộng đồng, bảo tồn kiến trúc và văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tường Vi
TTXVN

Có thể bạn quan tâm