Phục dựng Lễ nhảy lửa của dân tộc Dao ở bản Huổi Sâu

Phục dựng Lễ nhảy lửa của dân tộc Dao ở bản Huổi Sâu
Đây là kết quả sau gần 5 tháng Bảo tàng tỉnh Điện Biên thực hiện việc khảo sát, bảo tồn văn hóa phi vật thể của đồng bào Dao với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương, các già làng, trưởng bản, những người am hiểu văn hóa dân tộc Dao. Công tác phục dựng và tái hiện tuân thủ bài bản các bước, quy trình tiến hành và đầy đủ, trọn vẹn các nghi thức của một tết nhảy lửa nguyên bản, độc đáo.
Những người được thần lửa đồng ý nhảy lửa có độ tuổi từ 18 - 60. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Những người được thần lửa đồng ý nhảy lửa có độ tuổi từ 18 - 60.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 6.000 người dân tộc Dao (chiếm hơn 1% dân số toàn tỉnh), sinh sống tập trung tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa, thuộc các ngành Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao khâu. Riêng bản Huổi Sâu (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) có 95 hộ đồng bào dân tộc Dao với hơn 430 nhân khẩu, thuộc các họ chính như: Tẩn, Chảo, Phàn, Phùng...

Người Dao ở bản Huổi Sâu đón xuân vào tháng Giêng. Lễ nhảy lửa là một nghi thức diễn ra vào dịp Tết, được mỗi dòng họ tổ chức 2 đến 3 năm một lần hoặc nhiều hơn, tùy điều kiện của từng dòng họ, vào ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng, tại nhà Trưởng họ. Đây là một nghi thức kế tục của nghi lễ cúng Bàn Vương nhằm bảo vệ gia đình, dòng tộc, bản làng, mong cầu thần linh phù hộ bình an, thịnh trị và xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng mùa màng bội thu.

Để chuẩn bị cho lễ nhảy lửa, trước đó nhiều ngày các gia đình trong dòng họ họp bàn, thống nhất chọn giờ lành và các lễ vật dâng lên các vị thần linh, gồm 1 con lợn to, 10 con gà trống, củi đốt, bát hương và bó hương, nước trắng, rượu và chén, giấy âm phủ, đôi quẻ âm dương bằng tre, 2 đồng bạc, trống, cồng, 8 cái chiêng, bộ tranh thờ Bàn vương, nến sáp ong và những bộ trang phục truyền thống tham gia nghi lễ…

Bát than hồng đặt trên ban thờ trong lễ xin thần lửa. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Bát than hồng đặt trên ban thờ trong lễ xin thần lửa.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Vào giờ đẹp, ngày lành đã định, mọi người trong bản chuẩn bị lễ lên nhà thầy cúng để tiến hành nghi lễ. Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, dưới sự chủ trì của thầy cúng chính, người cúng phụ sẽ bày mâm lễ dưới bàn thờ tổ tiên. Giờ tốt đến thầy cúng chính thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, mâm lễ rồi cầm quẻ âm dương gõ vào nhau và bắt đầu khấn mời các vị thần. Khấn xong đủ 3 lượt, thầy cúng gieo quẻ âm dương xuống đất để biết các vị Thần Lửa, Bàn Vương, Thượng Đế, Tổ tiên... đã về với dân làng hay chưa, sau đó tiếp tục khấn để thông báo nội dung nghi lễ mời các vị thần linh và đốt các tập giấy dó biểu trưng việc biếu vàng bạc với các vị thần linh.

Lễ cầu may, cầu phúc vừa xong cũng là lúc đống củi được đốt lên ngoài sân trước đó đã thành một đống than hồng. Mọi người bước vào nghi thức nhảy lửa. Lúc này, thầy cúng khấn và xin quẻ âm dương để xin thần lửa đồng ý. Bất cứ người đàn ông nào cũng có thể tham gia và nhảy lửa nhiều lần khi đã được thầy cúng "nhập" cho một sức mạnh vô hình của thần linh che chở, bảo vệ không bị bỏng. Qua việc nhảy lửa, người nhảy thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, nhanh nhẹn và luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người. Nghi thức nhảy lửa chỉ kết thúc khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than vương lại.

Nghi thức nhảy lửa của người Dao do Bảo tàng tỉnh Điện Biên phục dựng trong Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 2018 được tổ chức tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ ngày 21/11. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Nghi thức nhảy lửa của người Dao do Bảo tàng tỉnh Điện Biên phục dựng trong Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 2018 được tổ chức tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ ngày 21/11. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Nghi thức nhảy lửa kết thúc sẽ đến nghi thức trình diễn các điệu múa. Hai thầy cúng, một là chủ đám (sliêu họ), một ông múa (khoi tàn) sẽ xuất hiện xuyên suốt trong các nghi thức này. Khởi đầu điệu múa phụ “Tam nguyên an ham”, ông thầy múa đi trước đám thanh niên (từ 8 đến 10 người), mọi người cầm cờ, tung cờ, phất cờ, múa những động tác khỏe mạnh, tượng trưng cho sức mạnh của âm binh. Khi đến điệu múa chính “Nhìang Chầm đao”, người tham gia đều đeo dao ở thắt lưng, cầm dao trên tay, múa với nhịp khỏe, mang tính chiến đấu trên nền nhạc trống, chiêng, chọe, chuông. Tiếp đến, múa phát nương tái hiện quá trình lao động của người Dao từ lúc phát nương đến lúc thu hoạch, phơi lúa, giã gạo, nấu cơm (tốp nam, tốp nữ cùng tham gia).

Đặc biệt, người Dao còn có điệu múa bắt ba ba, trước khi múa mọi người phải có lễ vật, lập đàn cúng, sau đó ông thầy múa dẫn đầu tốp nam theo tiết tấu của trống phách, chiêng, chuông, chọe đi vòng quanh đàn cúng thực hiện nghi lễ, đoàn người theo cùng nhảy múa diễn tả các động tác săn tìm, giết mổ và chế biến thịt ba ba thành món ăn dâng cúng lên các thần linh, gia tiên.

Điệu múa gà được nối tiếp sau đó với sự tham gia của 8 đến 10 người, mỗi người cầm một con gà trống, múa quanh cây cột dựng sẵn giữa sân. Sau một vòng múa, từng người cầm con gà sẽ cắt tiết gà vào những chiếc bát đặt quanh chân cột nhằm thể hiện sức mạnh, đồng thời xua đuổi ma tà. Lúc này, người phụ cúng mang một cái mẹt để cạnh cột giữa sân và đổ gạo vào đó cho những người vừa tham gia múa gà lao vào, thể sự việc ban thưởng sau khi chiến thắng tà ma, quỷ dữ.

Thầy cúng khấn xin phép thần lửa cho các thành viên đã được chọn trước khi nghi thức nhảy lửa được bắt đầu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Thầy cúng khấn xin phép thần lửa cho các thành viên đã được chọn trước khi nghi thức nhảy lửa được bắt đầu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Kết thúc phần múa, thầy cúng chính ra sân thổi “tù” rồi khấn Ngọc Hoàng, Thượng đế; thực hiện các nghi lễ chiêu binh, thu thánh tướng, âm binh vào một thanh kiếm (hoặc con dao găm) đặt lên mu bàn chân rồi hất mạnh lên bàn thờ tổ tiên và cúng đốt tiền âm phủ biếu vàng mã để các tổ tiên, các vị thần thánh trở về cõi tiên.

Sau cùng là phần múa hát của mọi người, thể hiện niềm tin, sự phấn chấn của dân bản, ca ngợi những người có công tạo dựng cuộc sống để dân bản có được hôm nay.

Lễ nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của đồng bào Dao đỏ, minh chứng cho sức mạnh trong quá trình lao động để chế ngự thiên nhiên; có ý nghĩa giáo dục lòng can đảm, đương đầu với khó khăn, thử thách của con người; chứa đựng niềm tin, hướng cộng đồng tới cái thiện, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Rất tiếc, tại Điện Biên, trong tiến trình phát triển và hội nhập, do không tự ý thức bảo tồn nên nghi thức này dần bị mai một ở các vùng dân tộc Dao sinh sống.

Lễ nhảy lửa ở bản Huổi Sâu (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) được phục dựng và tái hiện thành công dựa trên nguồn luận cứ xác đáng là tiền đề để bảo tồn, tôn tạo, làm "sống dậy" vẹn nguyên một nét đẹp văn hóa truyền thống, một nghi thức tâm linh độc đáo của cộng đồng dân tộc Dao ở Tây Bắc.
Xuân Tiến-Tuấn Anh

Có thể bạn quan tâm