Phú Yên: Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm tôm hùm

Phú Yên: Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm tôm hùm

Ngày 30/7, Thị ủy Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo “Khoa học và công nghệ trong phát triển sản phẩm tôm hùm bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030”. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội tôm hùm Sông Cầu lần thứ nhất – năm 2022.

Tỉnh Phú Yên là “thủ phủ tôm hùm” của cả nước với khoảng 88.926 lồng nuôi thủy sản, trong đó thị xã Sông Cầu có 58.695 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm với sản lượng năm 2021 đạt 1.050 tấn. Số hộ tham gia nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã Sông Cầu là 4.852 hộ.

Nghề nuôi tôm hùm tại tỉnh Phú Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng còn nhiều thách thức. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc quản lý nguồn giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi. Các hộ nuôi tôm hùm luôn phải đối mặt trước nhiều rủi ro và thách thức khi có thiên tai, ô nhiễm môi trường...

Phú Yên: Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm tôm hùm ảnh 1Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN

Để hạn chế những thiệt hại từ thiên tai và ô nhiễm môi trường cho vùng nuôi tôm hùm, theo Tiến Sỹ Thái Ngọc Chiến – Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, người nuôi có thể ứng dụng công nghệ nuôi trên bờ và công nghệ nuôi bằng lồng HDFE theo kiểu Na Uy. Tại tỉnh Phú Yên, việc nghiên cứu các vùng mở (xa bờ) để phát triển nuôi tôm hùm là cần thiết và ứng dụng lồng nuôi kiểu Na Uy. Điều này sẽ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây nên. Ưu điểm của lồng HDPE là nuôi mật độ cao, năng suất cao, tuổi thọ lồng cao (trên 10 năm), dễ dàng di chuyển...

Hiện nay tại Vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) có khoảng 50.000 lồng, vượt gấp đôi so với quy định và khuyến cáo (khoảng 25.000 lồng). Để mang tính bền vững, thị xã Sông Cầu phải giảm 50% số lượng lồng nuôi. Ở khu vực ven bờ, mỗi hộ phải chuyển đổi từ 30-50% lồng HDFE kích thước nhỏ (3x3m).

Bên cạnh công nghệ nuôi mới, thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm cũng là một giải phát khoa học công nghệ cần được ứng dụng. Hiện tại, thức ăn cho tôm chủ yếu là thức ăn tươi sống (gọi là cá tạp) và đang suy giảm và phụ thuộc vào tự nhiên nên thiếu hụt. Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đang hoàn thiện các nghiên cứu về thức ăn công nghiệp.

Tiến sỹ Mai Duy Minh cho biết: Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của tôm hùm, quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Kết quả nuôi thử nghiệm trong lồng biển ở tỉnh Khánh Hòa được ghi nhận là cả hai loại tôm này đem lại hiệu quả kinh tế, tương đương với nuôi bằng thức ăn tươi sống.

Thức ăn công nghiệp cho kết quả tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm hùm rất khả quan. Cụ thể, đối với tôm hùm xanh cỡ từ 5-10g/con (tôm ngón), đạt 0,3kg/con sau 8 tháng. Tôm hùm bông cỡ 5-10g/con (tôm ngón) ăn thức ăn công nghiệp chậm lớn hơn thức ăn tươi; sau 18 tháng, tôm hùm bông đạt 0,6 đến 0,8kg/con, tỷ lệ sống sót 74%.

Phú Yên: Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm tôm hùm ảnh 2Ông Đỗ Thái Phong, Bí thư Thị ủy Sông Cầu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN

Để đa dạng nguồn thức ăn cho tôm hùm, thức ăn công nghiệp dạng viên khô; thức ăn tươi bán ẩm được sản xuất từ phế phẩm thủy sản (đầu, vây, xương cá) cũng đang được nghiên cứu và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất.

Ông Dương Bình Phú – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên cho rằng: Việc đưa nội hàm khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm tôm hùm chủ lực là rất cần thiết. Phát triển sản phẩm tôm hùm có nhiều vấn đề đặt ra để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Cụ thể là vấn đề quy hoạch, giống nuôi, thu hoạch, bảo quản và chế biến... Các nội dung này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên quan tâm, tháo gỡ nhưng vẫn đang mang tính vụ việc và ngắn hạn.

Thực tiễn cho thấy, giá trị gia tăng của sản phẩm tôm hùm ở tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung không chỉ dựa vào diện tích nuôi, năng suất, sản lượng mà phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng chế biến để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc xây dựng và cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm ngoài việc khẳng định thương hiệu sẽ là cơ sở khoa học để tỉnh Phú Yên có hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế. Khi các vấn đề khoa học và công nghệ được thực hiện một cách đồng bộ theo chuỗi sẽ tạo ra được giá trị cao hơn từ sản phẩm tôm hùm.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm