Phú Thọ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Nếp “Gà Gáy” không được gặt bằng liềm hay máy mà được người dân Mỹ Lung thu hoạch từng bông bằng tay. Ảnh: lmhtx.phutho.gov.vn
Nếp “Gà Gáy” không được gặt bằng liềm hay máy mà được người dân Mỹ Lung thu hoạch từng bông bằng tay. Ảnh: lmhtx.phutho.gov.vn

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng góp phần đảm bảo ổn định xã hội, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung đầu tư về khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng để tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, toàn diện

Phú Thọ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ảnh 1Nếp “gà gáy” không được gặt bằng liềm hay máy mà được người dân Mỹ Lung thu hoạch từng bông bằng tay. Ảnh: lmhtx.phutho.gov.vn

Tích hợp và lồng ghép

Yên Lập là huyện miền núi, khó khăn của tỉnh Phú Thọ, thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Lập đã chỉ đạo từ khâu lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đến khâu công khai, xây dựng quy chế quản lý theo quy định. Tiến hành kiến thiết chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn, tích tụ ruộng đất để sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Đỗ Tuấn Vinh, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Yên Lập cho biết, sau khi dồn đổi ruộng đất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên rõ rệt; giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu được đồng bộ. Mặt khác, thông qua dồn đổi ruộng đất đã đưa cơ giới hoá vào sản xuất trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả…

Theo thống kê, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện Yên Lập chiếm 25% cơ cấu kinh tế, hiện nay huyện tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đẩy mạnh phát triển một số loại sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như cây ăn quả có múi tại các xã Xuân Thủy, Đồng Thịnh, Phúc Khánh; sản phẩm từ phát triển trồng rừng gỗ lớn, sản phẩm quế và các loại vật nuôi đặc sản như gà Lạc Thủy, lợn bản địa, dê núi,... Đến nay, toàn huyện có 3 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm nhãn hiệu tập thể nếp gà gáy Mỹ Lung; quế Yên Lập và bưởi diễn Xuân Thủy. Những mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Ông Hoàng Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lập cho biết, sẽ tham mưu cho huyện Yên Lập tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo phương châm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, tập trung vào khâu dồn đổi ruộng đất nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, qui mô lớn; đồng thời đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường nông sản hàng hoá để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân…

Cùng với Yên Lập, huyện Cẩm Khê đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững. Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho hay, huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo các cơ quan liên quan làm tốt dồn đổi ruộng đất, quy hoạch đất đai, chú trọng tập huấn chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới. Đồng thời, huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp…

Ngoài ra, huyện Cẩm Khê đã phân bổ hàng tỷ đồng để hỗ trợ phát triển các mô hình; trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng cây ăn quả, phát triển thủy sản công nghệ cao và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện...

Theo lãnh đạo UBND huyện Cẩm Khê, việc triển khai đồng bộ các kế hoạch, giải pháp, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ cao trong sản suất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả lớn, tạo đột phá toàn diện cho địa phương; đồng thời tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, người dân đã tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Những năm qua các mô hình nông nghiệp ở địa phương đều phát huy được tính ưu việt, lợi thế và đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Tập trung cho mục tiêu kép

Để tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 gắn với cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Phú Thọ xác định tập trung chỉ đạo phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh như bưởi, chè, chuối, lúa chất lượng cao, cây gỗ lớn, chăn nuôi gia xúc, gia cầm; phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tỉnh cũng xác định các vùng sản xuất tập trung trung các ngành hàng, các cây con chủ lực, cây con đặc sản, đặc trưng có lợi thế theo vùng sinh thái để tập trung chỉ đạo phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, tạo ra sản phẩm mang có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người nông dân. Ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, tích hợp đa giá trị vào sản xuất nông nghiệp

Năm 2022, ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, phát triển toàn diện, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 3,53%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản xuất được mùa ở tất cả các vụ; năng suất, sản lượng cây trồng tăng so với cùng kỳ; dịch bệnh trên cây trồng, đàn vật nuôi được kiểm soát tốt; cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng.

Hình thức tổ chức sản xuất có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh có hơn 380 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 350 trang trại đạt tiêu chí. Trong số đó, có 63 hợp tác xã, 92 trang trại quy mô lớn tham gia hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi với doanh nghiệp. Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2022 đã đánh giá công nhận và nâng hạng 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện mục tiêu kép vừa tái cơ cấu nông nghiệp vừa xây dựng nông thôn mới, năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất phát triển; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản. Toàn ngành xác định một số chỉ tiêu chủ yếu giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,2% so với năm 2022; có thêm 7 xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế đến hết năm 2023 có 201 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng ba sao trở lên…

Tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 14/2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng đất Tổ, gắn với cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục thu hút, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm