Phú Thọ đảm bảo 90% người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng Methadone

Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại cơ sở điều trị bằng Methadone, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: phutho.gov.vn
Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại cơ sở điều trị bằng Methadone, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: phutho.gov.vn

Tỉnh Phú Thọ hiện có 1.490 người được tham gia điều trị Methadone có hồ sơ quản lý, trong đó 550 người hiện đang tiếp tục duy trì điều trị, 580 người đã tự nguyện ra khỏi chương trình, 360 người tự ý bỏ điều trị. Để đảm bảo 90% số người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng Methadone và duy trì hoạt động hiệu quả 16 cơ sở điều trị, cấp phát Methadone, tỉnh Phú Thọ đang tăng cường huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu điều trị bằng Methadone.

Phú Thọ đảm bảo 90% người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng Methadone ảnh 1Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại cơ sở điều trị bằng Methadone, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: phutho.gov.vn

Dự kiến từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ huy động trên 33 tỷ đồng phục vụ việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trong đó, nguồn kinh phí từ Trung ương là 7,8 tỷ đồng, kinh phí của tỉnh 11 tỷ đồng và 13,9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, ngành đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội cùng các huyện, thành, thị nắm tình hình người nghiện tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Trung tâm Y tế tuyến huyện, các Trạm y tế xã thực hiện nhiệm vụ điều trị Methadone cho người bệnh. Ngành đang phối hợp với Công an tỉnh, các địa phương và cơ quan liên quan định kỳ rà soát, thống kê, phân loại người nghiện, bảo đảm quản lý hồ sơ người nghiện chính xác, khách quan; cung cấp thông tin kịp thời về người nghiện chất dạng thuốc phiện, đồng thời phối hợp, hỗ trợ chính quyền cơ sở, ngành Y tế và các đoàn thể trong công tác vận động, thuyết phục người nghiện tự nguyện tham gia điều trị Methadone.

Qua 5 năm thực hiện Đề án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có từ 950 đến 1.050 bệnh nhân cơ bản từ bỏ hoặc từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp.

Kết quả theo dõi, giám sát trong quá trình điều trị cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng heroin giảm từ 100% trước khi tham gia điều trị xuống 6% sau 9 tháng điều trị và 100% bệnh nhân ngừng sử dụng heroin sau 12 tháng tuân thủ điều trị. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trước điều trị là 52,4% giảm xuống còn 2% trong quá trình điều trị. 89,4% bệnh nhân tăng cân, cải thiện cả về thể chất và tinh thần; không phát hiện trường hợp nhiễm mới HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác như viêm gan B và viêm gan C.

Đạt được kết quả trên, tỉnh Phú Thọ đã huy động trên 17 tỷ đồng để mua thuốc Methadone, duy trì hoạt động 16 cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh; đào tạo, tập huấn đảm bảo tất cả nhân sự làm việc tại các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát được cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tỉnh cũng thực hiện lồng ghép điều trị nghiện với sàng lọc, phát hiện và đưa vào quản lý người nhiễm mới HIV/AIDS, viêm gan C, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong nhóm người nghiện chất dạng thuốc phiện và sự lây lan ra cộng đồng.

Uớc tính, sau 5 năm triển khai, Đề án đã tiết kiệm cho xã hội gần 400 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí rất lớn, có tác động sâu sắc đến đời sống của nhiều gia đình, nhiều đối tượng, nhất là trẻ em, phụ nữ và người già; đồng thời làm giảm hàng loạt các loại hình tội phạm liên quan đến ma tuý, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

Tỉnh Phú Thọ không phải là địa phương trọng điểm về ma túy và HIV, song tệ nạn ma túy và tình hình tội phạm liên quan đến ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường. Loại ma túy sử dụng nhiều nhất là heroin, trong đó tiêm chích vẫn là đường chủ yếu. Độ tuổi người nghiện có xu hướng ngày càng trẻ hóa, trung bình từ 20 - 40 tuổi. Có tới 90% người nghiện đã sử dụng ma túy trên hai năm và khoảng 40% có thời gian sử dụng từ 5-10 năm. Hầu hết người nghiện ma túy đã tham gia cai nghiện ma túy bằng các hình thức khác nhau nhưng trên 90% đã thất bại. Những năm gần đây, tình trạng kết hợp sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng trong nhóm bệnh nhân điều trị Methadone chiếm khoảng 15% và chủ yếu ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi.


Lâm Đào An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm