Phú Thọ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Phú Thọ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, thủy sản, Phú Thọ còn tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển nông nghiệp theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng… Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng. Nhiều chỉ tiêu cơ bản về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tạo đột phá trong sản xuất.

Phú Thọ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng  ảnh 1Vùng chè nguyên liệu của HTX chè Thành Nam tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn. Ảnh: baophutho.vn

Nhiều mô hình hiệu quả

Thanh Sơn là huyện miền núi, khó khăn của tỉnh Phú Thọ, bởi vậy Ban chấp hành Đảng bộ huyện luôn xác định phải biến khó khăn thành hành động, xây dựng nhiều giải pháp khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của huyện để tạo đà bứt phá so với năm trước.

Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn chia sẻ, với một huyện miền núi thì việc xác định sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững theo mô hình trang trại là nhiệm vụ then chốt để bứt phá đi lên. Bên cạnh đó, phải chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp; gắn kết sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đi đôi với đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Năm 2021, nhiều mục tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích trồng cây hằng năm đạt 11.659 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 47.000 tấn, đạt xấp xỉ 104% kế hoạch. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, kết hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đã đưa năng suất lúa đạt 57,9 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, Thanh Sơn đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung đối với các loại cây trồng như chè, bưởi diễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện đã trồng 730 ha, diện tích cho quả 464 ha, sản lượng ước đạt trên 5.200 tấn. Diện tích cây chuối trồng đạt 819 ha; trong đó diện tích chuối phấn vàng được giữ ổn định 387 ha, tập trung chủ yếu tại xã Tân Minh, Tân Lập, Khả Cửu.

Xác định cây chè là cây trồng trọng điểm trong phát triển kinh tế của địa phương, huyện Thanh Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích việc xây dựng các vùng chè theo tiêu chuẩn an toàn để nhằm xây dựng thương hiệu cho chè Thanh Sơn. Năm 2021, diện tích cây chè ước đạt 2.523 ha, sản lượng ước đạt 27 ngàn tấn.

Thanh Sơn đang xây dựng mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh Suối Reo theo hướng sản xuất hữu cơ bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Thanh Sơn đã có 15 sản phẩm được công nhận; trong đó, có 9 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao bao gồm cả sản phẩm chè và thịt chua…

Cũng giống như Thanh Sơn, huyện Hạ Hòa đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện cho nhiều mô hình liên kết chăn nuôi công nghệ cao ra đời, mang lại giá trị toàn diện cả về kinh tế và môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng xác định lĩnh vực chăn nuôi là một trong 2 mũi đột phá của Hạ Hòa trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, huyện đã tích cực hỗ trợ chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung, hình thành các hợp tác xã, trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, Hạ Hòa đã khuyến khích các hộ nuôi thủy sản theo hình thức thả thâm canh, bán thâm canh trên diện tích mặt gần 2.000 ha với các giống có năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường như cá diêu hồng, chép lai 3 máu, rô phi đơn tính, cá lăng, cá tầm...

Để đảm bảo giá trị bền vững, huyện đã khuyến khích các hợp tác xã, hộ nông dân áp dụng phương thức nuôi thả dải vụ, xen ghép. Thu hoạch được thực hiện theo hình thức "đánh tỉa, thả bù" tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; đồng thời xử lý tốt nguồn nước để không gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Thời gian tới, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, huyện Hạ Hòa tiếp tục đồng hành cùng người dân, hợp tác xã trong khâu phòng chống dịch bệnh, tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo các tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường. Huyện cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương có kế hoạch xây dựng, quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đặc biệt, chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn.

Thích ứng linh hoạt, phát triển bền vững

Với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, tỉnh Phú Thọ đã tập trung cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức thiết của ngành; đồng thời thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức tạo sự quyết tâm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, các địa phương cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra trên cơ sở phát huy lợi thế.

Theo đó, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích kinh tế trang trại, gia trại phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, tạo quỹ đất lớn liền vùng, liền thửa thuận lợi cho việc canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất.

Mặt khác, tỉnh tăng cường các chính sách, tháo gỡ khó khăn, thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp kể cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP gắn với phát triển sản xuất theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của địa phương.

Thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được chú trọng. Đến nay, đã có 93 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 5.381,4 tỷ đồng và 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 75,4 triệu USD; đã có 23 dự án đi vào sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng của ngành.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, trong đó, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp được quan tâm. Bởi vậy, các địa phương cần chú ý lựa chọn ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình hiện có, nhất là các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng như các chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp trọng điểm…

Hiện tỉnh Phú Thọ có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng năm 2021 công nhận 19 xã nông thôn mới; trong đó có xã Thanh Minh (thị xã Phú Thọ) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã; hơn 1.280 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 10 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu).

Riêng lĩnh vực chăn nuôi, các địa phương cần có kế hoạch điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm, thủy sản phù hợp với nhu cầu thị trường và diễn biến dịch tả lợn châu Phi; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao…

Tạ Văn Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm