Phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa Chiêm Xuân

Phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa Chiêm Xuân
Chủ động phòng chống dịch bệnh hại lúa. Ảnh Thành Công Thử
Chủ động phòng chống dịch bệnh hại lúa. Ảnh Thành Công Thử
Tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn là gần 50 ha, tập trung trên các giống lúa nếp, BC15, Q5, Xi23, X21, Thien ưu 8, Thái Xuyên 111, các giống lúa Thái Bình... hoặc trên các diện tích cấy dày, phân bón không cân đối, tập trung tại các huyện Bá Thước, Thường Xuân, Thiệu Hóa, Như Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định, Triệu Sơn. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí thượng thủy văn Quốc gia và Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ trong tháng 4/2019 có 1-2 đợt không khí lạnh yếu, gây mưa trên diện rộng và nắng nóng xảy ra đan xen. Đây là điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại trên các trà lúa trong vụ Chiêm Xuân. Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cũng dự báo tình hình sinh vật gây hại khác có thể phát sinh trên cây lúa và các cây trồng chính trong vụ chiêm xuân 2019 như: bệnh lùn sọc đen phương nam, bệnh nghẹt rễ, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn lá và cổ bông, bệnh đen lép hạt... Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra và bảo vệ mùa màng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ Chiêm Xuân 2019. UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường công tác điều tra, phát hiện, kiểm tra đồng ruộng để theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu bệnh hại chính đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa để chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ bệnh khi bệnh mới phát sinh. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân tăng cường các biện pháp chăm sóc cây trồng vụ Chiêm Xuân, như bón phân đón đòng, thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh để phòng trừ kịp thời nhất là đối với bệnh đạo ôn và rầy hại lúa, điều tiết nước hợp lý đảm bảo đủ nước cho lúa làm đòng và phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả. Trên những ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn phải ngừng bón tất cả các loại phân phân hóa học, phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng và phun trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu như Kasoto 200SC, Katana 20SC, Kabim30WP... Nếu áp lực bệnh cao cần phun kép 2 lần cách nhau từ 5-7 ngày, đảm bảo tối thiểu 30 lít nước thuốc đã pha/sào 500m2. Ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra mạng lưới kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa bàn nhằm ngăn chặn việc kinh doanh, buôn bán thuốc tràn lan, bán kèm không đúng chủng loại, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng và lợi dụng tình hình dịch hại để tăng giá thuốc... Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình đầu mối với nhu cầu dùng nước của các hộ để điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí. Đồng thời, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý, vận hành nhằm giảm tổn thất nước trên kênh và mức tưới cho một hecta. Phối hợp với các cấp chính quyền dẫn nước tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, nhất là trong thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước, bảo đảm tất cả những vùng sản xuất có hệ thống tưới chủ động đều có đủ nước để cây trồng sinh trưởng, phát triển.
Hoa Mai

Có thể bạn quan tâm