Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế ở huyện miền núi Than Uyên

Cùng với chăn nuôi lợn, chị Lò Thị Biến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Sang Ngà, xã Phúc Than, huyện Than Uyên nuôi nhiều loại cá trắm, trôi, rô phi. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN
Cùng với chăn nuôi lợn, chị Lò Thị Biến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Sang Ngà, xã Phúc Than, huyện Than Uyên nuôi nhiều loại cá trắm, trôi, rô phi. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Than Uyên là huyện miền núi của tỉnh Lai Châu. Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế trên địa bàn được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai mạnh mẽ. Đến nay, Than Uyên trở thành huyện đi đầu trong phong trào phụ nữ phát triển kinh tế của tỉnh.

Đến bản Sang Ngà, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, hỏi thăm về chị Lò Thị Biến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Sang Ngà, mọi người đều biết và khen ngợi chị Biến không chỉ là một phụ nữ giỏi làm kinh tế mà còn hết lòng chia sẻ kinh nghiệm cho chị em trong bản. Đặc biệt, chị Biến đã giúp đỡ hàng trăm người dân bản tìm kiếm việc làm ổn định tại các công ty.

Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế ở huyện miền núi Than Uyên ảnh 1 Cùng với chăn nuôi lợn, chị Lò Thị Biến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Sang Ngà, xã Phúc Than, huyện Than Uyên nuôi nhiều loại cá trắm, trôi, rô phi. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Chị Lò Thị Biến cho biết, để có vốn phát triển kinh tế, năm 2017, chị vay vốn từ ngân hàng chính sách 50 triệu đồng, đầu tư xây dựng chuồng trại và mua lợn giống về nuôi. Để đàn lợn phát triển tốt và ít dịch bệnh, chị tích cực học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên mạng xã hội và kinh nghiệm của các hộ dân nuôi trước đó. Nhờ đó, đàn lợn của chị nuôi nhanh lớn và không bị dịch bệnh, trung bình chị bán 2 lứa lợn/năm, mỗi lứa khoảng 10-15 con. Chị Biến còn đào hơn 3.000 mét vuông ao, nuôi các loại cá trắm, chép, mè, rô phi. Năm 2019, nhận thấy địa phương chưa có cửa hàng tạp hóa về thức ăn chăn nuôi, phân bón, chị quyết định mở quán bán hàng tạp hóa, làm đại lý bán thức ăn chăn nuôi, phân bón và đầu tư máy xay sát để xát thóc, nghiền ngô. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm trừ chi phí chị thu về 100-150 triệu đồng

Chị còn là người đại diện của Công ty Cổ phần Lilama 69-1 Phả Lại - Xí nghiệp Lắp máy Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) để tuyển dụng lao động trên địa bàn xã Phúc Than và các xã lân cận làm việc thời vụ cho công ty. Hiện chị Biến đang quản lý gần 50 lao động. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, chị là Chi hội trưởng gương mẫu, được UBND, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phúc Than tặng giấy khen, biểu dương.

Chị Lò Thị Biến chia sẻ: Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, tôi luôn tích cực tham gia và triển khai nhiều hoạt động hội cho hội viên. Tích cực vận động chị em tham gia giữ gìn vệ sinh, thực hiện cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, hương ước của xã, bản. Tôi nỗ lực phát triển kinh tế, làm gương cho các hội viên, đồng thời giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho chị em học hỏi.

Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế ở huyện miền núi Than Uyên ảnh 2 Bà Vàng Thị Khuyên, bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên thu hoạch mít. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Bà Vàng Thị Khuyên ở bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên năm nay gần 60 tuổi, luôn là điển hình trong phát triển kinh tế của bản. Đầu năm 2018, nhận thấy trồng lúa chỉ đủ ăn, bà quyết định trồng 100 cây mít Thái xen canh với 500 cây chuối. Sau hơn 3 năm, vườn mít cho thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 200 quả, trung bình mỗi quả nặng từ 6-13 kg và bán với giá 25.000 đồng/kg. Bà Khuyên tâm sự, trồng mít không mất nhiều công chăm sóc như trồng lúa mà đem lại thu nhập cao gấp 2-3 lần. Cùng với trồng mít, bà còn nuôi thêm cá, dê, ngan, gà. Từ việc trồng trọt và chăn nuôi, năm nay trừ chi phí bà thu về từ 50-70 triệu đồng.

Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế ở huyện miền núi Than Uyên ảnh 3 Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Than Uyên thăm mô hình trồng mít của gia đình bà Vàng Thị Khuyên, bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Huyện Than Uyên hiện có gần 14.000 hội viên phụ nữ. Với đặc thù phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm số đông, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Than Uyên đã chú trọng việc tổ chức các khóa tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên. Mặt khác, Hội còn phối hợp với các ngân hàng để giúp chị em vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ thành lập các nhóm, tổ hợp tác để liên kết mô hình phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau trong sản xuất.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Than Uyên còn vận động các nguồn lực thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện giảm nghèo bền vững; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các trung tâm, các doanh nghiệp… tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, giúp hội viên phụ nữ và con em của họ có việc làm sau đào tạo.

Bà Lương Thị Tý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Than Uyên cho biết: Hội Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh, phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế thông qua phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Qua đó, Hội đã giúp đỡ gần 3.500 phụ nữ nghèo, hơn 80 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; trên 2.100 tổ viên được vay vốn với số tiền hơn 103 tỷ đồng; 940 lao động nữ nghèo được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng nghiệp, học nghề và gần 600 lao động nữ được giới thiệu việc làm. Toàn huyện hiện có trên 50% lực lượng lao động là phụ nữ. Phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; trong đó Phúc Than là xã đi đầu trong phong trào phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều hội viên làm chủ kinh tế gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế ở huyện miền núi Than Uyên ảnh 4 Từ mô hình chăn nuôi và trồng trọt, bà Vàng Thị Khuyên, bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên thu về gần 70 triệu đồng/năm. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Ngoài các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, nhiều hội viên phụ nữ Than Uyên còn nhanh chóng tiếp cận, mạnh dạn ứng dụng công nghệ và làm chủ kinh tế gia đình. Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện Than Uyên đạt 37,1 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10,98%, tăng hộ giàu trong toàn huyện. Chất lượng cuộc sống của các hội viên phụ nữ ngày được cải thiện, nâng cao.

Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Than Uyên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể. Các cấp hội tiếp tục rà soát những hội viên nghèo để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo, góp phần xây dựng các tiêu chí nông thôn mới của huyện, của tỉnh.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm