Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Tai nạn đuối nước ở trẻ em từ trước đến nay luôn là nỗi lo đối với mỗi gia đình và các cơ quan chức năng mỗi khi hè đến. Liên tiếp những vụ đuối nước xảy ra trên cả nước trong trong những ngày gần đây khiến cho nỗi lo ấy càng trở nên hiện hữu, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trẻ em từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội ảnh 1Nguy cơ đuối nước luôn rình rập khi trẻ bơi lội ở những nơi không đảm bảo điều kiện an toàn. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN   

Mỗi năm gần 2.000 trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ em. Đây không chỉ là nỗi đau, mất mát của các gia đình có trẻ em bị tử vong, mà còn khiến toàn xã hội bức xúc, lo lắng.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm 48,8% do tai nạn thương tích. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở nước ta cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Có 53% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… không có sự bảo vệ của người lớn.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ, chưa giám sát chặt chẽ con em mình, để trẻ tự do đi lại, trong khi các em lại thiếu những kỹ năng phòng chống đuối nước; nhiều trẻ em không biết bơi và rơi vào tình trạng có nguy cơ bị chết đuối bất cứ lúc nào. Số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn.

Phía sau các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em là sự đau xót, day dứt và ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiều người thốt lên rằng “giá như các em đó biết bơi hoặc được trang bị kỹ năng bơi lội an toàn", và rất nhiều cái “giá như” nữa... nhưng tất cả đều quá muộn màng bởi sự chủ quan của những người có trách nhiệm.

Gia đình, nhà trường và xã hội cùng hành động

Làm thế nào để trẻ em có được những ngày hè vui, khỏe sau một năm học tập căng thẳng? Làm sao để không còn những vụ đuối nước thương tâm, đáng tiếc xảy ra với các em? Điều nay đòi hỏi các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục và ngay trong mỗi gia đình, cá nhân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, tránh đuối nước để bảo vệ trẻ em.

Trong số đó, giải pháp thiết thực nhất vẫn là cần sớm nhân rộng các mô hình dạy bơi trong nhà trường và cộng đồng dân cư. Nhà trường cần tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh, gia đình phải đưa con em mình đến các lớp dạy bơi, để các em làm quen và có những động tác, kỹ năng khi ở dưới nước, để bảo vệ chính bản thân mình.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, tránh đuối nước, học bơi thôi chưa đủ, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ. Đó là dạy cho các em kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để phòng tránh. Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em kỹ năng giúp người bị đuối nước.

Một điều quan trọng là từng gia đình, cần tăng cường giám sát và quản lý con em. Trẻ nhỏ ham chơi có thể quên ngay lời nhắc, bởi thế, phụ huynh cần giám sát và liên tục nhắc nhở để trẻ in sâu trong đầu. Các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn…

Mới đây, ngày 1/6/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Công điện số 04/CĐ-LĐTBXH gửi tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương rà soát các hộ gia đình, các vị trí mặt nước, hồ, ao, sông, suối, công trình công cộng, công trình xây dựng để phát hiện kịp thời các nguy cơ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác. Các địa phương có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em.

Các địa phương cũng cần chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi; vận động các gia đình chủ động đưa trẻ em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại địa phương để tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

Trước đó vào tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công văn số 1715/BGDĐT gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh dịp hè. Theo đó, trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19 và nghỉ hè, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước. Tiếp tục duy trì hiệu quả các hình thức nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không tắm, chơi, đùa gần ao, hồ, sông, suối, hố công trình… không bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Các cơ sở giáo dục phối hợp các cơ quan, tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho học sinh trong dịp nghỉ hè; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian học trực tuyến tại nhà, thời gian được nghỉ học, nghỉ hè.

Có thể khẳng định, đối với với phòng, chống đuối nước, không chỉ gia đình, không một ngành đơn lẻ nào có thể triển khai toàn bộ các hoạt động. Để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng. Có như vậy thì những nỗi đau mang tên đuối nước mới có thể giảm.

Diệp Ninh (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm