Phòng chống đói, rét cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi

Phòng chống đói, rét cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi

Những ngày rét nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát. Cùng với đó là củng cố chuồng trại chăn nuôi, che chắn giữ khô nền chuồng, kín, ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi.

Để chủ động tăng cường phòng chống đói, rét cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ Đông-Xuân 2020-2021, đồng thời bảo đảm phát triển chăn nuôi, hoàn thành kế hoạch năm 2020-2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo đó, các địa phương thực hiện các hoạt động cụ thể về phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc. Đồng thời, cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng chống đói, rét; đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hướng nhiều do đói, rét.

Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ phòng chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, hộ bị thiệt hại do bão lũ vừa qua để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi. Ngành chức năng phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho gia súc của các địa phương và xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi rét đậm, rét hại xảy ra.

Các cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô (rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò.

Địa phương liên tục cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các đoàn thể, UBND huyện kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi đến từng thôn bản và hộ gia đình.

Tại tỉnh Nghệ An cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan qua môi trường; khống chế, bao vây, dập dịch nhanh và hiệu quả.

Tại các địa phương trước đây bị ngập lụt đang phối hợp với ngành thú y đang tiến hành thu gom, xử lý chất thải, chất độn chuồng nuôi bằng cách đốt, chôn sâu hoặc ủ bằng phương pháp nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh; dùng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất; khuyến cáo các hộ gia đình, các trang trại chăn nuôi phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại, rải vôi bột sung quanh khu vực chăn nuôi và lối ra vào; phun tiêu độc toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận.

Tỉnh Nghệ An cũng phân khai cho các địa phương 10.000 lít hóa chất Iodine 10% để thực hiện công tác tiêu độc khử trùng.

Nghệ An là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thưởng xảy ra. Mới đây nhất, ngày 14/12/2020, UBND huyện Kỳ Sơn đã công bố dịch tả lợn châu Phi tại các xã Na Loi, Bắc Lý, Phà Đánh, Mường Lống.

Theo nhận định, thời gian tới bùng phát các loại dịch bệnh là rất lớn. Nguyên do, tại một số địa phương trong tỉnh việc khử trùng tiêu độc không được tiến hành thường xuyên, liên tục để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường; việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm chưa được triển khai đầy đủ; thời tiết thay đổi chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng.

Mặt khác, hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật tại nhiều địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ; một số người dân nóng vội, tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.

Bích Hồng - Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm