Phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm

Phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm

Bộ Y tế cho biết, từ 17 giờ ngày 8/10 đến 17 giờ ngày 9/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.513 ca mắc mới, trong đó một ca nhập cảnh và 4.512 ca trong nước (giảm 261 ca so với số ca mắc của ngày trước đó) tại 40 tỉnh, thành phố; có 2.173 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với số ca mắc của ngày trước đó là Thành phố Hồ Chí Minh (553 ca), Đồng Nai (37 ca), Tây Ninh (35 ca). Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với số ca mắc của ngày trước đó là Sóc Trăng (192 ca), An Giang (126 ca), Đắk Lắk (85 ca).

Trong ngày 9/10 có 1.319 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 760.801 ca. Hiện còn 5.014 bệnh nhân nặng đang được điều trị.

Trong ngày ghi nhận 105 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (74 ca), Bình Dương (18 ca), An Giang (5 ca), Đồng Nai (3 ca), Tiền Giang, Tây Ninh (mỗi địa phương 2 ca), Hà Nội (1 ca).

Trung bình, số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 119 ca/ngày. Đến nay Việt Nam ghi nhận 20.442 ca tử vong, chiếm 2,4% tổng số ca mắc.

So với thế giới, về tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; về số ca tử vong trên 1 triệu dân, nước ta xếp thứ 135/223. So với châu Á, Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ về tổng số ca tử vong; xếp thứ 30/49 về số ca tử vong trên 1 triệu dân.

Ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi ngay trong tháng 10 năm nay, sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn. Cùng với số lượng vaccine Pfizer về Việt Nam trong thời gian tới, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đã đề nghị Cuba gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để xem xét. Nguồn vaccine ở nước ta từ nay đến cuối năm tối thiểu là 120 triệu liều. Trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiêm phủ một mũi vaccine cho trên 70% dân số trên 18 tuổi. Đến nay, Việt Nam đã phân bổ 56 triệu liều vaccine COVID-19.

Tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc

Ngày 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; bàn nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Theo báo cáo, tử đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 8/10 cả nước đã ghi nhận 828.000 ca mắc, 759.000 người đã khỏi bệnh (đạt 91%) và 20.300 ca tử vong. Hiện nay, 10 trong số 62 tỉnh có dịch đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Cả nước có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là Cao Bằng. Trong 2 tuần qua số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó.

Tính đến ngày 8/10, cả nước đã tiêm được hơn 51,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên đạt 52,3%.

Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương từng thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca mắc mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn - trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.

Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; còn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.

Công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an dân, an sinh, trật tự - an toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; triển khai tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc; các địa phương có thể áp dụng linh hoạt, sáng tạo, song không trái với hướng dẫn chung; nếu có vướng mắc, chưa phù hợp thì phản ánh để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện.

Tri ân lực lượng y, bác sỹ hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do biến chủng Delta gây ra, bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4/2021. Đến nay, thành phố đã có 403.997 ca mắc, hiện còn 20.905 trường hợp đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện và 22.257 người đang được cách ly điều trị tại nhà. Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh dịch kéo dài hơn 2 tháng.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc huy động tổng lực nhân viên y tế từ tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên địa bàn, ngành y tế thành phố đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu về nhân lực đến từ 132 đơn vị, gồm các bệnh viện bộ, ngành, Trung ương, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường đại học, cao đẳng ở trung ương, tỉnh, thành phố và Học Viện Quân y, các lực lượng chiến sĩ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực lượng khác cùng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố...

Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, từ Cục Quân Y (Bộ Quốc Phòng), Bộ Công an mà ngành y tế thành phố đã triển khai hiệu quả đồng thời “2 mũi giáp công” trong cuộc chiến chống COVID.

Trong thời gian tới, ngành y tế thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực cho công tác tiêm vaccine, hướng đến bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất; kiến nghị Bộ Y tế cho thành phố thí điểm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có nguồn phù hợp.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến trên địa bàn, trả lại trường học, ký túc xá, nhà tái định cư do tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.

Dự kiến, các bệnh viện dã chiến thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021. Riêng các Bệnh viện Dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021 bởi đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng, cần phải tiếp tục hoạt động để các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động theo lộ trình. Ngoài ra, Bệnh viện Dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).

Theo kế hoạch, ngành y tế sẽ tham mưu UBND thành phố triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” tại các bệnh viện dã chiến số 16, số 13 và số 14 - nơi có các Trung tâm Hồi sức COVID-19. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế (bao gồm bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố và quận, huyện đến các “Bệnh viện dã chiến 3 tầng”.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm